Rút bảo hiểm xã hội một lần, người lao động mất đi nhiều quyền lợi chính đáng (Ảnh minh họa) |
Sản xuất bị xáo trộn
Tham gia BHXH hơn 10 năm, chị Nguyễn Thị Lan, công nhân Công ty Scavi Huế cho rằng, lâu nay nghe đồng nghiệp bàn luận nhiều về việc để qua năm 2025 khi Luật BHXH thay đổi, công nhân không rút được BHXH một lần. Lo sợ mất “quyền lợi” nên chị Lan cũng liều theo đồng nghiệp nộp đơn xin nghỉ việc để nhận một số tiền và không cần quan tâm đến tương lai sau này.
Cũng như nhiều lao động khác, chị Tú Trinh, công nhân may ở Khu công nghiệp Phú Bài tính toán cách “lách luật” đó là xin nghỉ việc rồi chờ vừa đủ một năm sau rút toàn bộ tiền đã đóng BHXH. Sau đó, nếu có cơ hội chị vẫn kịp xin việc làm để tiếp tục đóng BHXH trước năm 2025 (trước khi Luật BHXH có hiệu lực). Như vậy, chị vẫn có thể được rút BHXH một lần nếu Luật BHXH chọn phương án một.
Chị Lê Thị Hồng, 42 tuổi, một công nhân may ở huyện Phú Vang cho rằng, trong công ty chị hầu hết các lao động đều rút BHXH một lần từ sớm. Bởi, theo quy định mới nữ đủ 60 tuổi mới được nghỉ hưu, khi đó sổ BHXH mới có tác dụng. Tuy nhiên, đối với ngành may, ngoài 45 tuổi công ty đã tìm cách cho lao động nữ nghỉ việc. “Chúng tôi không chờ được đến lúc đó, chưa kể những rủi ro bệnh tật trước tuổi hưu. Nếu không rút một lần, hiếm khi công nhân có được chút vốn chi tiêu, làm ăn”, chị Hồng nói.
Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trợ lý Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam Huế, trăn trở: “Sau khi các phương tiện truyền thông đăng tải các thông tin về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) với việc đề xuất 2 phương án hưởng BHXH một lần làm cho NLĐ ồ ạt nghỉ việc vì họ cho rằng sẽ không được nhận BHXH một lần hoặc có nhận thì số tiền cũng bị giảm. Trong khi đó, tình trạng NLĐ nghỉ việc nhiều sẽ khiến hoạt động sản xuất bị xáo trộn, doanh nghiệp (DN) có nguy cơ thiếu hụt nhân sự”.
Qua tìm hiểu, Dự thảo Luật BHXH đang được lấy ý kiến đã đưa ra hai phương án rút BHXH một lần. Trong đó, phương án một, chỉ nhóm tham gia trước khi luật có hiệu lực (trước 1/1/2025) mới được rút; nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Phương án hai, không phân biệt thời gian đóng, tất cả lao động đóng dưới 20 năm, sau một năm không tham gia đều được rút nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ Hưu trí, tử tuất; số năm còn lại được bảo lưu hưởng chế độ. Dự thảo này đã gây lo lắng cho NLĐ dẫn đến nhiều trường hợp ồ ạt nghỉ việc để làm thủ tục rút BHXH một lần.
Theo báo cáo từ BHXH tỉnh, 8 tháng đầu năm nay toàn tỉnh có 2.786 người ngừng tham gia BHXH bắt buộc do nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng NLĐ nghỉ việc để nhận BHXH một lần. Trong đó, Công ty Scavi Huế giảm 1.129 người, Công ty TNHH MTV Sơn Hà Huế giảm 382 người, Công ty TNHH MTV Takson Huế giảm 381 người, Công ty CP Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thừa Thiên Huế giảm 299 người, Công ty CP Dệt may Huế giảm 270 người…
Người lao động đến BHXH tỉnh thực hiện các gia dịch liên quan đến BHXH |
Rủi ro trước mắt và lâu dài
Theo số liệu từ BHXH tỉnh, 8 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh có 8.927 người rút BHXH một lần, tăng 2.936 người so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng lo ngại là trong nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhận BHXH một lần thì có tới 70% NLĐ tại các DN và trên 2.000 người ở độ tuổi dưới 30. Trong nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện nhận BHXH một lần chủ yếu là đối tượng có tuổi đời cao (hết tuổi lao động).
Số lao động rút BHXH một lần đang tăng mạnh những năm gần đây sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, hàng trăm ngàn NLĐ lại tiếp tục đối mặt với khó khăn về việc làm khi DN lâm vào cảnh khan hiếm đơn hàng. Đặc biệt tình trạng này đang được dự báo sẽ kéo dài đến cuối năm 2023. Do đó, số lao động bị ảnh hưởng việc làm, mất việc làm sẽ tiếp tục tăng và NLĐ rút BHXH một lần cũng sẽ tăng theo.
Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến NLĐ rút BHXH một lần, trong đó một phần từ phía đơn vị sử dụng lao động. Thời gian qua, nhiều DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, lao động phải nghỉ việc và không ít người trong số đó chưa có cơ hội trở lại làm việc sau 1 năm nên đề nghị hưởng BHXH một lần. Mặt khác, một số đơn vị sử dụng lao động còn thiếu quan tâm đến quyền lợi của NLĐ, như tham gia BHXH cho NLĐ ở mức tiền lương thấp, không đóng tiền BHXH hoặc đóng chậm, “cắt giảm” công nhân nhiều tuổi… dẫn đến tình trạng NLĐ khó tìm kiếm được việc làm, không gắn bó lâu dài với chính sách BHXH.
Nguyên nhân quan trọng nữa là từ phía NLĐ, NLĐ có thu nhập thấp, không ổn định hoặc vì khó khăn cần tiền trang trải cuộc sống; nữ giới ở nhóm tuổi trẻ đang trong độ tuổi sinh đẻ phải nghỉ việc sinh con và chăm sóc con nhỏ. Tâm lý NLĐ e ngại chính sách thay đổi sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, dù biết là sẽ thiệt thòi đến lợi ích lâu dài; nhận thức của NLĐ về tác dụng, ý nghĩa của việc hưởng lương hưu chưa đầy đủ, chưa hình thành ý thức tham gia BHXH lúc trẻ để hưởng tương lai an sinh khi về già.
(Còn tiếp)
Kỳ II: Giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp