Vịnh Lăng Cô. Ảnh: Anh Việt 

Vịnh đẹp thế giới

Vào năm 2009, Việt Nam có 3 vịnh tham gia câu lạc bộ (CLB) vịnh đẹp thế giới là Hạ Long, Nha Trang và Lăng Cô. Trở thành thành viên của CLB là minh chứng cho thấy vịnh đã đáp ứng nhiều tiêu chí: có một môi trường sinh thái với động vật và thực vật thú vị; có vẻ đẹp tự nhiên và hấp dẫn; được biết và đánh giá tại cấp quốc gia; biểu tượng cho cư dân địa phương; có nguồn kinh tế tiềm năng; ít nhất đáp ứng 2 tiêu chí của UNESCO trong lĩnh vực văn hóa và thiên nhiên. Từ các tiêu chí có thể thấy, vịnh đẹp là tài sản vô giá có giá trị về văn hóa và kinh tế mà một địa phương may mắn được sở hữu.

Những năm qua, vịnh Hạ Long và vịnh Nha Trang đã trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng. Vẻ đẹp hàng ngàn đảo đá vôi vươn lên như ngọn núi nhỏ trên biển trở thành biểu tượng của Việt Nam, và được nhà làm phim Hollywood chọn cho bộ phim bom tấn “King Kong”. Vịnh Nha Trang là điểm đến du lịch đông du khách với sức hút từ nhiều hòn đảo đẹp nổi tiếng như: khu du lịch Vinpearl, dịch vụ lặn ngắm san hô và sinh vật biển tuyệt đẹp. Hai vịnh là địa điểm du lịch cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư về bất động sản du lịch, tạo giá trị kinh tế cao và việc làm cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, đối với vịnh Lăng Cô, Huế có cách tiếp cận chậm rãi hơn. Cho đến nay, Lăng Cô vẫn giữ được khung cảnh tuyệt đẹp và hoang sơ. Các sản phẩm dịch vụ nổi bật tập trung chủ yếu là hai khu resort lớn Laguna, Vedana; cơ sở hạ tầng đô thị hóa chưa cao; các hoạt động check-in vẫn chủ yếu là hòa mình vào thiên nhiên. Các dịch vụ trải nghiệm trên biển như bến thuyền, bảo tàng biển, đô thị vẫn chưa được phát triển đã gợi mở tiềm năng rất lớn. Lăng Cô vẫn còn chờ đợi được khai thác đúng để trở thành điểm tựa phát triển kinh tế - xã hội cho Thừa Thiên Huế.

Trân trọng thiên nhiên

Để đảm bảo sự bền vững của tài nguyên thiên nhiên tại Lăng Cô, quan điểm khai thác vịnh cần trân trọng và giữ gìn hệ sinh thái sinh vật, môi trường. Các hoạt động triển khai hướng đến trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ, có chừng mực và khả năng hồi phục tự nhiên. Với cách nhìn khai thác vịnh đẹp Lăng Cô theo đúng tiêu chí của vịnh đẹp là làm sao để người dân, du khách trải nghiệm đầy đủ giá trị thiên nhiên mang lại mà vẫn bảo toàn tính bền vững của tài nguyên thiên nhiên.

Đầu tiên, hoạt động tham quan và được tiếp xúc với cảnh đẹp là một chọn lựa phù hợp. Lăng Cô có vùng biển yên lành, an toàn, bờ cát trắng rộng là điểm lý tưởng để tổ chức hoạt động tắm biển và thể thao, vui chơi trên biển. Khu vực Hòn Chảo có hệ thống rạn san hô và sinh vật biển đa dạng cần được phát triển dịch vụ có hạn chế số lượng khách trải nghiệm. Biển Lăng Cô, nhìn từ trên cao rất đẹp nên tăng trải nghiệm đối với du khách bằng các hình thức mới như xây dựng điểm ngắm cảnh trên cao, ngắm cảnh bằng du thuyền, kinh khí cầu, nhảy dù, cáp treo. Tỉnh Thừa Thiên Huế có bờ biển dài, lượng khách du lịch đông phù hợp tổ chức một bảo tàng hệ sinh thái biển để phục vụ người dân, du khách.

Thứ hai, ẩm thực đầm phá và hải sản cần được phát huy để nhiều thành phần kinh tế có thể tham gia. Người tiêu dùng có thể trải nghiệm phân khúc từ bình dân đến cao cấp theo loại đặc sản, theo không gian trải nghiệm ẩm thực từ bình dân đến nhà hàng cao cấp, theo vị trí cảnh quan là trên biển hay trên phá hoặc trên thuyền.

Thứ ba, dịch vụ lưu trú trên các vùng ven biển cũng cần được quy hoạch phù hợp để các đối tượng có thể tận hưởng vẻ đẹp Lăng Cô vào thời điểm đêm và đón bình minh.

Thứ tư, các hoạt động tham gia vào đời sống người dân Lăng Cô như chèo thuyền, đánh cá, nuôi trồng thủy hải sản, nghề chế biến thủ công cũng cần được tổ chức thuận lợi để du khách được tiếp cận.

Vịnh Lăng Cô là tài sản vô giá của tỉnh, mang trong mình vẻ đẹp thiên nhiên hiếm có. Người Huế nói riêng và du khách thế giới nói chung mong muốn được “chạm” nhiều hơn đến vẻ đẹp đó.

NGUYỄN ĐOÀN QUỐC ANH