Ông Lưu (trái) và bà Liên (phải) chăm vườn rau mỗi ngày |
Lên A Lưới làm kinh tế mới sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gia đình ông Trần Văn Lưu cần mẫn với nghề nông, song vẫn chưa khấm khá. Năm 2016, ông chuyển sang thâm canh rau nhà kính với sự hỗ trợ kinh phí từ địa phương và các dự án, thu nhập của gia đình bắt đầu khởi sắc.
Từ định hướng phát triển kinh tế của xã, gia đình ông Trần Văn Lưu được hỗ trợ thực hiện mô hình vườn mẫu. “Dự án hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng, mình đối ứng thêm làm được khoảng 300m2 nhà kính trồng rau an toàn. Triển khai được một thời gian, tính toán cân đối thấy mô hình mới mang lại năng suất, lợi nhuận nhiều hơn so với trồng đại trà bên ngoài, gia đình đầu tư thêm 300m2 nhà kính”, ông Lưu kể.
Tổng kinh phí đầu tư toàn bộ cho hạ tầng lưới, rào… khoảng 210 triệu đồng nhưng dùng được dài lâu, tránh mưa bão, sâu bọ, cây quả phát triển an toàn. Trong nhà kính trồng xà lách, cải, ớt, cà; trồng quanh năm, gối đầu liên tục. Mỗi ngày vợ chồng ông Lưu bán lai rai 200-300 ngàn đồng tiền rau quả, tháng thu nhập cao nhất khoảng 10 triệu đồng. Dịp Tết, xà lách, ngò có khi lên 40-50 ngàn đồng/kg không đủ để cung cấp cho khách hàng.
Ngoài vùng rau trong nhà kính 600m2, bên ngoài gia đình ông còn trồng còn thêm gần 1.000m2 bắp, dưa, đậu, mướp bí các loại. Công việc nương vườn mang lại nguồn thu đáng kể cho hai vợ chồng nông dân gốc Quảng Điền này. “Loanh quanh suốt ngày làm không hết việc đó anh chị. Cũng vất vả luôn tay, luôn chân nhưng vui khi giữ được cái nghề của quê hương. Mình bám đất, bám vườn vẫn sống tốt, thậm chí có của ăn của để”, ông Lưu chia sẻ.
Hai năm trước, vợ chồng ông thử nghiệm trồng hoa chất lượng cao và thu lại kết quả khả quan. Vậy là những tháng cuối năm, hoa cúc, hoa ly, đồng tiền Hà Lan được xuống giống đại trà. Với kiểu khí hậu mát mẻ tựa như Đà Lạt, các loại hoa này phát triển rất tốt. Hoa ly còn được nhiều tỉnh thành đặt mua nên trồng bao nhiêu hết bấy nhiêu; các loại hoa khác cung cấp tại địa bàn huyện. So với trồng rau, thu nhập từ hoa tết gấp 5-6 lần. Mỗi vụ hoa tết, ông Lưu thu về 50-70 triệu đồng.
Với mô hình nhà kính, thời tiết mưa gió vẫn đảm bảo chất lượng cây trồng, các loài xâm hại không tác động vào vườn rau. Theo ông Lưu, theo dõi thời tiết là yếu tố quan trọng nhất. Trời nắng quá thì che lưới giảm nhiệt. Trời mưa nhiều thì che chắn xung quanh hoặc thắp đèn sưởi ấm hoa, rau. Nhất là trồng hoa ly, khi nụ chớm nở là phải theo sát để canh hoa kịp nở đúng tết.
Ngoài trồng rau, hoa, củ quả, gia đình ông nuôi vài con heo, đào hố ủ phân, rơm và men làm phân bón. Vợ ông, bà Trịnh Thị Thu Liên mỗi ngày đều hỗ trợ chồng chăm bón, thu hoạch. Hôm chúng tôi ghé thăm mô hình, một vài người dân tìm đến tận nhà ông Lưu mua rau phục vụ bữa ăn hàng ngày. Một khách hàng cho biết chị ở xã Sơn Thủy, biết tiếng rau nhà ông Lưu tươi ngon và an toàn nên thường ghé mua về cho gia đình. Không chỉ khách đến nhà, chỉ cần thấy bà Liên xuất hiện ở chợ, nhiều người đến mua sản phẩm của ông bà nhờ “thương hiệu rau nhà kính”. Bà Liên bảo chỉ sợ trồng không kịp chứ không lo về đầu ra. Mùa Tết là mùa bán rau sướng nhất vì giá cao.
Nhìn lại quãng thời gian xây dựng, phát triển vườn rau, ông Lưu phấn khởi: “Mô hình này đúng là hướng đi đúng đắn và mang lại hiệu quả kinh tế ở vùng cao này. Vợ chồng tôi cũng từng ấp ủ mang nghề rau Quảng Điền lên đây song bây giờ mới thấy được giá trị của trồng trọt công nghệ cao”.
Chị Hồ Thị Tường, Trưởng thôn Diên Mai, xã A Ngo cho hay: “Đây là mô hình kinh tế tiêu biểu của địa phương và đang được khuyến khích nhân rộng. Năm nào vườn rau của ông Lưu cũng đón nhiều đoàn khách trong, ngoài huyện đến tham quan, học tập. Ông bà đều nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, cách làm”.