Đến nơi, cô được niềm nở tiếp đón và thăm khám nhiệt tình. Không có gì nghiêm trọng, chỉ là do thời tiết chuyển mùa, người lớn tuổi như cô… “dự báo thời tiết” là đương nhiên. Chỉ phân vân chút ở chỗ 2 cục hạch trên vùng vai, ở nhà cô cũng đã sờ thấy, nghĩ đang có vết thương vùng mặt, nên nó “chạy hạch” thôi. Nhưng tại phòng khám, bác sĩ sau một hồi sờ nắn, cho làm siêu âm, đã trầm ngâm: “2 cái hạch này là hạch bất thường, cần phải kiểm tra cẩn thận chứ không chủ quan được. Sáng mai cô đi bệnh viện đi, tới khoa ung bướu xin khám nhé”. Nghe đến bệnh viện, nghe khoa ung bướu, bà cô tôi bủn rủn suýt xỉu.

Rồi bác sĩ D. tiếp tục dặn: “Đến bệnh viện, cứ đi thẳng tới khoa ung bướu, gặp bác sĩ H., số điện thoại đây 09…, cứ nói tôi bảo đến gặp là ông biết liền. Vậy thôi, cô không cần phải làm thủ tục hay nộp tiền nộp bạc gì nữa nhé. Mọi thứ tôi đã lo cả rồi…”. Phải đến khi ấy, cô tôi mới phần nào lấy lại bình tĩnh. Song, cả đêm hôm ấy cô không thể nào ngủ được, mấy cái từ “hạch bất thường”, “khoa ung bướu” nó cứ lởn vởn trong đầu khiến cô chợp mắt là gặp ác mộng, những mong trời mau sáng cho rồi để đi bệnh viện xem nó thế nào.

Sáng hôm sau, cô dậy sớm và đến thẳng khoa ung bướu từ đầu giờ. Gọi, và gặp ngay bác sĩ H. như lời dặn. Bác sĩ H. nhìn nhìn, hỏi mấy câu, rồi chỉ vào một cô y tá hay hộ lý gì đó trong phòng, bảo vào gặp cô ấy, xong có gì liên hệ lại. Gặp cô ý tá nọ, cô ấy viết cho 1 xấp phiếu, bảo đi làm xét nghiệm. Cô tôi liếc qua, choáng! Thấy cho xét nghiệm đủ loại, từ máu cho đến tim gan não phổi… đủ hết. Mà cái nào cái nấy có giá từ vài trăm nghìn trở lên cả. Nhớ lời bác sĩ D. dặn là “không phải nộp gì nữa”, cô phân vân, trở lại tìm bác sĩ H. để hỏi. Không gặp. Cô bấm máy gọi, ông bác sĩ trả lời bận mổ, cứ theo hướng dẫn mà làm. Một thân tra giữa bệnh viện, lòng cô rối bời, vừa lo sợ, vừa muộn phiền, mệt mỏi. Chẳng biết quyết thế nào. Chợt nhớ đến thằng cháu là tôi, cô gọi về tham vấn. Nghe sự tình, tôi quyết luôn: Về! Nếu bệnh thì đã bệnh rồi, về cái đã, hôm khác trở lại khám, nộp giấy tờ đúng quy trình, thủ tục, cô có BHYT, việc gì không dùng mà bây giờ nhảy ngang vào khám tự do để rồi tốn cả một mớ vô lý vô sự. Nghe lời tôi, cô tạm rời bệnh viện.

Hôm sau, khi tinh thần đã “ổn định tổ chức”, cô quyết định đến thẳng bệnh viện quốc tế khám theo yêu cầu, sức khỏe là trên hết, cô nghĩ. Thủ tục nhanh gọn, tiền bạc cho cái xét nghiệm cũng không nhiều. Quan trọng nhất là kết quả cho thấy, mấy cái hạch ở vai chỉ là hạch phản vệ, không có gì cần phải lo lắng. Cô như giãn ra, người bỗng vui vẻ, khỏe khoắn lên hẳn.

Hôm sau nữa là giỗ mẹ tôi. Cô đến dự, hoạt bát, vui tươi. Nghe chuyện của cô, nhiều người cứ hỏi, tại sao bác sĩ D. phòng khám tư lại “thông tuyến” với bác sĩ H. ở bệnh viện công được nhỉ? Rồi tại sao đã phối hợp rồi lại thả bệnh như kiểu đem con bỏ chợ; nếu người bệnh, một người phụ nữ lớn tuổi như cô, ngoan ngoãn đi làm hết cả đống xét nghiệm như yêu cầu thì tiền bạc ở đâu mà trả, trong lúc cô có BHYT, bác sĩ lại không quan tâm đến, vậy có vô cảm? Lại nữa, họ có đặt mình vào vị trí của người bệnh khi bỗng nhiên bị thầy thuốc phán có triệu chứng bất thường, mà nhất là cái sự bất thường ấy nó rất gần với cái sự ung thư mà ai nghe qua cũng biết là hết thuốc chữa, là cận cửa tử. Khả năng chẩn bệnh kém hay bác sĩ cố tình “hù” người bệnh?...

Rất nhiều câu hỏi đặt ra mà có lẽ chỉ có mấy vị bác sĩ trong cuộc mới có câu trả lời.

Thượng Bích