Dòng tiền qua ngân hàng 

Đúng là có lúc được ghi nhận lãi suất cao thật. Nhưng suy cho cùng đi vay và cho vay cũng là một thị trường. Đã là thị trường thì thị trường tự điều chỉnh. Mọi sự can thiệp mang tính chất hành chính dường như rất ít tác dụng. Hẳn chúng ta còn nhớ khi thị trường bất động sản (BĐS) sôi động, một dòng tiền đổ vào đây rất lớn mà theo con số công bố chính thức là chiếm khoảng 20% tổng dư nợ, còn thực tế có lẽ còn lớn hơn. Thị trường này sôi động, hút vốn vay thì đồng vốn trở nên đắt đỏ cũng không phải là điều gì đáng ngạc nhiên. Vốn cho vay cao thì vốn huy động lãi suất cao. Đã huy động lãi suất cao thì cho vay cao, thế thôi. DN có kêu về lãi suất cao, hoặc ai kêu giúp thì cũng thế thôi, lãi suất không hạ.

Giờ thì chẳng ai nói gì lãi suất cũng hạ. Lãi suất huy động 1 năm phổ biến hiện tại chỉ còn chừng 5,5%/năm. Gửi ngắn hạn thì còn thấp hơn nhiều. Điều này cho thấy, thứ nhất, ngân hàng đang thừa tiền. Thứ hai là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế không cao.

Giờ chúng ta nói đến chuyện DN khó tiếp cận vốn. Vì sao khó? Vì, có thể DN không có tài sản đảm bảo; có thể khả năng phát triển không tốt; có thể ngân hàng đánh giá những rủi ro nợ xấu có thể xảy ra khi cho một DN nào đó, vay một món nào đó. Nói chung người đã nghèo (tức là không có tài sản đảm bảo), làm ăn không ngon lành… thì chuyện tiếp cận vốn vay khó cũng chẳng có gì làm chúng ta ngạc nhiên. Ngân hàng cũng kinh doanh. Trong mối quan hệ cho vay bao giờ ngân hàng cũng muốn nắm đằng chuôi. Một DN làm ăn ngon lành thử coi có vay được không, ngân hàng có muốn làm bạn đồng hành không? Chắc chắn là có. Không ai dại gì bỏ lỡ một cơ hội làm bạn với những người đưa lại một nguồn lợi nào đó cho mình! Nói khó hay dễ tiếp cận vốn cũng là chuyện khôn cùng.

Giờ nguồn vốn đang rẻ. Rẻ nhưng không phải muốn vay là được. Những điều kiện tiếp cận được vốn vay dù đắt hay rẻ thì cũng đều như nhau. Tiếp cận được hay không suy cho cùng cũng do “sức khỏe” của DN, khả năng trả nợ của người tiêu dùng. Mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được đánh giá là cao nhưng sức khỏe của DN cũng không tốt. Người có tiền “lúng túng” trong các kênh đầu tư nên tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng, mặc dù lãi suất tiền gửi ngày càng thấp. Với lãi suất 5,5%/năm, nếu trừ trượt giá thì số tiền thực lãi còn không nhiều. Còn về phía cho vay, tức là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp. Theo Ngân hàng Nhà nước, 9 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 6,1 - 6,2% so với cuối năm 2022.

Giờ thì DN không kêu lãi suất vay vốn cao nữa mà vấn đề là tìm kiếm các giải pháp và cơ hội kinh doanh cũng không dễ giữa thời buổi kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Cho nên, nhu cầu vay vốn không cao dù là đồng vốn đang rẻ. Chúng ta thấy, đồng vốn đắt hay rẻ có lên quan mật thiết đến thị trường BĐS. Thường đồng vốn đắt khi thị trường BĐS sôi động. Giờ thì thị trường BĐS im lìm. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế có lẽ phải đợi khi thị trường BĐS phục hồi trở lại.

Bài: Nguyên Lê - Ảnh: Ngọc Hòa