Cảng biển Chân Mây. Ảnh: Nguyễn Phong |
Đó là một trong những hạn chế được đại diện Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế đưa ra khi nói về thực trạng đón khách du lịch tàu biển qua cảng Chân Mây thời gian qua.
Xin đón khách già, yếu nhưng vướng… an ninh
Nằm ở vị trí thuận lợi, kết nối với các tuyến hàng hải quốc tế, giữa dải đất miền Trung Việt Nam, kết nối với nhiều di sản, cảng Chân Mây được Hiệp hội Du thuyền châu Á chọn là một trong 46 cảng biển khu vực Đông Nam Á để xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền, tàu du lịch lớn.
Cảng đã đón hàng trăm lượt tàu, chở hàng trăm ngàn lượt khách đến Huế, mang lại nguồn thu lớn. Không dừng lại đó, còn góp phần giới thiệu, quảng bá đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế cũng như thúc đẩy phát triển du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Để giảm thiểu các chi phí cho chủ tàu, đại lý, Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét điều kiện miễn, giảm số lượng tàu lai, công suất máy chính tối thiểu tàu lai cho các tàu khách, thiết bị hỗ trợ điều động đến, rời cảng.
Cảng Chân Mây những năm qua đã đón hàng trăm lượt tàu biển du lịch, chở hàng trăm ngàn lượt khách đến Huế |
Trao đổi tại hội nghị về quản lý hoạt động kinh doanh du lịch bằng tàu biển quốc tế tại các cảng biển tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018 - 2023, đại diện Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế cho hay, thời gian qua đơn vị nhận được đề nghị Công ty TNHH Thương mại & Du lịch Tân Hồng chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh về việc cho xe đưa đón khách vào tận cầu cảng để đón khách già, yếu di chuyển từ tàu khách đến các phương tiện đường bộ để tham quan, du lịch. Tuy nhiên, căn cứ vào kế hoạch an ninh của Công ty CP Cảng Chân Mây được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì việc này hiện không cho phép. Đơn vị đề nghị doanh nghiệp cảng, doanh nghiệp lữ hành nghiên cứu nâng cao chất lượng dịch vụ, xem xét đầu tư hệ thống xe điện trung chuyển và bổ sung vào kế hoạch an ninh cảng biển để trình các đơn vị liên quan phê duyệt.
Ngoài ra, để khắc phục hạ tầng cơ sở cầu cảng vừa tiếp nhận tàu hàng và tàu khách, Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế đề nghị Công ty CP Cảng Chân Mây ưu tiên không gian hậu cần khi đón tiếp tàu khách bằng cách sắp xếp tinh gọn nhất các thiết bị xếp dỡ hàng hóa, hạn chế bụi phát tán từ kho bãi, tăng cường nhân công dọn vệ sinh…
Dịch vụ còn yếu và thiếu
Theo ông Nguyễn Văn Chương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây, sau 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, cảng đã đón các chuyến tàu du lịch trở lại với nhiều tín hiệu tích cực, trong đó có nhiều tàu biển du lịch lớn có tiếng thế giới. Thế nhưng, thực trạng cung ứng dịch vụ cảng biển du lịch hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, chưa thực sự thu hút du khách.
Nguyên nhân là do tỉnh chưa có cảng hành khách riêng biệt, các tàu biển du lịch phải cập cảng chung với cảng hàng hóa. Hành trình di chuyển từ cảng vào trung tâm thành phố mất nhiều thời gian và việc tìm kiếm phương tiện khó khăn, giá thành dịch vụ vận chuyển khá cao khiến phần lớn lượng khách lẻ không muốn vào tham quan và di chuyển. Ngoài ra, việc tận dụng tiềm năng du lịch biển ở địa phương chưa hợp lý, chưa tận dụng được lợi thế về mặt địa lý và tài nguyên ven biển, một số dịch vụ còn thiếu và yếu, ít dịch vụ bổ trợ cho khách vui chơi và giải trí, mua sắm…
Để giải quyết những tồn tại trên, ông Chương đề nghị, cần có chính sách đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, phát huy kết nối những hãng thuyền du lịch, các nhà khai thác cảng du lịch, lập quỹ và tham gia các sự kiện xúc tiến du lịch tại các thị trường du lịch tàu biển lớn như Mỹ, Hồng Kông, Singapore, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ.
“Tỉnh có thuận lợi là thị trường tiềm năng, chi phí rẻ nhưng gặp nhiều trở ngại trong đáp ứng sự hiện đại của các hãng tàu quốc tế cũng như các quốc gia trong khu vực có điều kiện hạ tầng và kết nối công nghệ tốt trong phát triển du lịch tàu biển. Vì thế cần đầu tư và kêu gọi đầu tư triển khai các hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, mua sắm ngay tại cảng biển. Ngoài ra, cần xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, giỏi kiến thức du lịch, ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách”, ông Chương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch thừa nhận những bất cập, tồn tại liên quan đến việc vận hành hoạt động du lịch tàu biển, cơ sở vật chất kỹ thuật và công tác xúc tiến quảng bá mà các đơn vị quản lý, doanh nghiệp nêu ra. Từ những ý kiến này, ông Phúc cho hay, Sở sẽ có kiến nghị với cấp thẩm quyền để có giải pháp cấp thiết, hiệu quả nhằm tháo gỡ để phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm, điểm đến về quy mô, số lượng và chất lượng nhằm đáp ứng đúng nhu cầu của dòng khách du lịch này.