Trải nghiệm làm giấy tái chế từ rơm |
Đến với những sự kiện về bảo vệ môi trường như Ngày hội tái chế - Huế 2023, hay chương trình “Để dó cuốn đi”, nhiều người tham dự thích thú với một gian hàng gồm những đồ tái chế làm từ rơm. Những tấm thiệp, giấy, túi đựng… thu hút nhiều sự quan tâm của những người yêu thích các sản phẩm thân thiện với môi trường.
“Mình tò mò và đã đến xem thử gian hàng của dự án “Chuyến đi của rơm”. Tại đây có những sản phẩm thân thiện với môi trường, như giấy vẽ, túi đựng, bookmark, quạt… Đặc biệt hơn, mình còn được trải nghiệm làm giấy tái chế từ rơm nữa”, Nguyễn Quốc Toàn, sinh viên Trường đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Huế chia sẻ.
“Từ đồng xa, rơm ra thành thị, được biến thành giấy, được vẽ ước mơ”, Lê Văn Linh, sinh viên Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế, thành viên của dự án “Chuyến đi của rơm” giới thiệu. Theo Linh, rơm rạ có nhiều công dụng như làm thức ăn cho gia súc, ủ phân… Những công dụng này đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân nhưng vẫn còn khá ít so với tiềm năng hiện có của nguồn nguyên liệu này. Trước thực trạng đó, Linh cùng những bạn trẻ thuộc Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế ấp ủ dự án mang tên “Chuyến đi của rơm” để tận dụng rơm, một sản phẩm phụ từ nông nghiệp thành nguồn tài nguyên có giá trị, giúp giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm rác thải nhựa, song hành với việc phát triển kinh tế vùng nông thôn.
Các sản phẩm được tái chế từ rơm |
“Hiện nay, nông dân thường có thói quen đốt rơm rạ sau khi thu hoạch mùa vụ, điều này gây ra nhiều tác hại, bởi rơm rạ bị đốt tạo ra những cột khói cao ngút, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, có những thửa ruộng nằm sát với đường giao thông, khi đốt, khói lan ra, che khuất tầm nhìn của người đi đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Việc đốt rơm rạ cũng gây lãng phí tài nguyên khi rơm rạ có thể sử dụng để tái chế. Từ những lý do đó, chúng mình nảy ra ý tưởng về “Chuyến đi của rơm”, mang rơm rạ từ đồng ruộng để tạo nên những sản phẩm thân thiện với môi trường”, Linh nói.
Phương pháp sản xuất giấy từ rơm rạ được dự án thực hiện trong điều kiện môi trường thông thường, không yêu cầu nhiệt độ và áp suất cao, tiêu tốn ít năng lượng và hóa chất. “Bước đầu tiên, chúng mình loại bỏ cỏ, hạt thóc, côn trùng trên rơm và cắt thành từng đoạn dài 5 – 8cm. Sau khi đã cắt nhỏ, cho dung dịch xút vào để phân tách rơm thành dạng bột mịn và đem nấu ở nhiệt độ 980C trong vòng 3 giờ. Sau đó để nguội hỗn hợp và nghiền mịn. Tiếp đó, cho bột giấy vào nước và tiến hành xeo giấy, cuối cùng phơi khô”, Lê Quý Hiền, thành viên của dự án cho biết. Một lưu ý trong quá trình xeo giấy đó là phải xeo đều tay để bột rơm trải đều trên bề mặt của tấm xeo, cũng như phải lọc bỏ các vỏ trấu để bề mặt giấy đều và đẹp hơn.
Giấy được sản xuất từ bột rơm có tính mềm, độ dai cao, màu vàng đục. Độ ẩm của giấy làm từ rơm đủ tiêu chuẩn để sử dụng trong các cơ sở kinh doanh trên thị trường như mỹ phẩm, thời trang, trang sức, phụ kiện, dịch vụ... “Ưu điểm của sản phẩm là có độ bền tốt, thân thiện với môi trường, dễ tái tạo và phân hủy. Nhược điểm là bề mặt giấy chưa láng và vẫn còn lẫn một số tạp chất”, Quý Hiền phân tích.
Với tính ứng dụng cao, thân thiện với môi trường, sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, dễ thực hiện, dự án “Chuyến đi của rơm” đã nhận được tài trợ 100% từ cuộc thi Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa - Huế 2023.
“Trong suốt thời gian qua, dự án “Chuyến đi của rơm” đã có những chuyến hành trình, góp mặt ở nhiều sự kiện vì môi trường để lan tỏa thông điệp về giảm thiểu rác thải nhựa và tránh lãng phí những nguồn tài nguyên. Trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục có những chuyến khảo sát về hiện trạng sử dụng rơm rạ tại các địa bàn khác nhau trong tỉnh, qua đó tìm ra những nguồn cung ổn định về nguyên liệu cho dự án, đồng thời tiếp tục lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến người dân”, Lê Văn Linh chia sẻ.