Chum Villa vốn là một ngôi nhà sàn cũ nay đã được cải tạo |
Bắt đầu từ niềm yêu thích cái đẹp, hứng thú những khối hình không gian sống có khả năng “chữa lành” những lo toan, tất bật của cuộc sống… từ thuở học THPT, Chi Mai đã chọn nghề kiến trúc sư (KTS) và theo đuổi giấc mơ đến bây giờ. Còn rất trẻ nhưng Chi Mai sớm có những dấu ấn với giới kiến trúc trong và ngoài nước bằng một loạt những công trình xây dựng đặc sắc, mang đậm phong cách Á Đông kết hợp với tính hiện đại phương Tây, như: LimDim House (6/46 Dương Văn An), Ngâu House (6/4/317 Điện Biên Phủ), Tranquille House (phường Thủy Xuân), Chum Villa (đường Phạm Văn Đồng)…
Với chị, sáng tạo trong kiến trúc là để công trình chạm được cảm xúc người sử dụng. Ở đó, cảm xúc của KTS như những viên gạch nhỏ xuyên suốt công trình để tạo nên không gian sống đẹp. Lúc chập chững vào nghề, định hình phong cách thiết kế của bản thân chính là khó khăn lớn nhất của chị để hòa nhập với cơ chế thị trường. Trong kiến trúc, tạo sự tin tưởng giữa khách hàng và KTS chính là điều kiện tiên quyết để công trình có thể bước ra khỏi bản vẽ và thành một tác phẩm kiến trúc, chứ không đơn giản là nhà để ở… Đó là đích đến của một KTS.
“Ngôi nhà yên tĩnh” - Tranquille House |
Là người Huế, từ nhỏ Chi Mai đã sống giữa những tác phẩm nghệ thuật, điều này ảnh hưởng nhiều đến khả năng sáng tạo của cô. Có thể dễ dàng thấy được những công trình của chị đa phần lấy ý tưởng từ những kiến trúc bản địa. Tuy vậy, chị không bị đóng khung trong một phong cách hay ý tưởng cố định, mà luôn đa dạng tác phẩm bằng những mảng khối hiện đại. Để công việc không trở nên khô khan, cô gái xứ Huế mộng mơ thường gọi vui khách hàng là những “người đi mơ”, công trình là “cơn mơ”, quá trình thiết kế và xây dựng là “chuyến đi mơ”. Không đơn giản là cách gọi, đây cũng là phương pháp giúp cho Chi Mai có thể dễ dàng tìm đến sự hòa hợp với “người đi mơ” thông qua cảm xúc xuyên suốt của một “cơn mơ”. Điều này cũng giúp chị rất nhiều khi gặp phải những “cơn mơ” oái oăm - những yêu cầu khó khăn.
Nếu gặp những yêu cầu khó khăn mang tính chất về sáng tạo hay kỹ thuật thì không sao, nó còn kích thích tính chinh phục của Mai, qua đó tạo ra những sản phẩm mới, chất lượng và độc đáo hơn. Tuy nhiên, cũng có những yêu cầu khá vô lý, đặt KTS vào thế bị động, hạn chế khả năng sáng tạo, chính kiến của KTS. Những lúc như vậy, Mai đành từ bỏ... Với chị, sự hòa hợp giữa “người đi mơ”, “cơn mơ” và KTS là điều rất quan trọng cho một công trình. Trong mỗi “chuyến đi mơ” cùng khách hàng, thứ cần thiết là sự đồng cảm, thấu hiểu, không áp đặt lẫn nhau. Tâm niệm của Mai là luôn cố gắng cân bằng để giữ cái “tôi” không lớn nhưng vẫn có lập trường và chính kiến. Chị luôn giữ sự sáng tạo và sự cân bằng với thực tế thi công như cách mà người ta thường nhắc đến ngành kiến trúc là ngành kỹ thuật có tính mỹ thuật nhất và cũng là ngành mỹ thuật có tính kỹ thuật nhất. “Có thể gọi đó là bay bổng, nhưng vẫn phải giữ một chân chạm đất”, Mai cười.
“Kiến trúc mang một ý nghĩa gì hay đơn giản là công cụ đáp ứng nhu cầu?” là một vấn đề mà Mai cũng như những KTS khác suy nghĩ rất nhiều. Với người trong nghề, kiến trúc sáng tạo mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhưng khách hàng đa phần chỉ nhìn nhận trên phương diện thực tế. Vấn đề này, Chi Mai nghĩ rằng nếu KTS đơn thuần chỉ là công cụ thì với công nghệ AI hiện nay đã có thể đáp ứng rất dễ yêu cầu của chủ đầu tư, thậm chí nhanh hơn nếu so với lao động của KTS. Nhưng kiến trúc ngoài tính dân dụng còn là một bộ môn nghệ thuật tạo dựng những không gian đẹp, hợp lý, phù hợp với người ở và cảnh quan. Việc tư vấn trong cụm từ “tư vấn thiết kế” chính là vai trò, trách nhiệm của KTS với mỗi công trình riêng và không gian chung của xã hội, tạo nên sự khác biệt mang tính thực tiễn cuộc sống hơn là một phần mềm AI. Điều này tạo sự khác giữa việc thiết kế hoàn toàn bằng AI và một sản phẩm kiến trúc do con người thiết kế.
Nói về không gian sống của mình, chị chia sẻ: “Là một KTS nên việc sống và làm việc trong một không gian đẹp, hợp lý là vô cùng quan trọng. Khi tâm trạng “đi xuống” thì một không gian kiến trúc có thiết kế tốt sẽ như một ốc đảo, cách ly bản thân khỏi những xô bồ. Nó mang đến sự “chữa lành cho tâm hồn”, qua đó khiến bản thân cảm thấy an toàn, thư giãn”. Chị cũng nói thêm: “Khách hàng thấy mình có gu thẩm mỹ hay chi phí như thế nào cũng chưa quan trọng bằng việc khi gặp nhau, lắng nghe và cảm thấy sự hợp ý từ nhau. Qua đó, cân bằng các yếu tố để tạo ra một thiết kế ưng ý nhất có thể là một sự may mắn của KTS. Không gian sống của mình cũng tạo sự an tâm cho… khách hàng”.
Chính vì sự tận tâm trong công việc, những thiết kế của Chi Mai không chỉ “gói gọn” trong nước mà còn lan đến Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan hay xa hơn là Mỹ, Canada… bằng sự lan tỏa bởi sự hài lòng từ khách hàng.
Theo chị, “gu” của nhiều bạn trẻ hiện nay là yêu thích những ngôi nhà giữ được nếp văn hóa Á Đông, đồng thời đảm bảo tính hiện đại phương Tây. Với chị, đây là một tín hiệu tốt vì giới trẻ vẫn ghi nhận được cái đẹp từ kiến trúc xưa cũ của ông cha. Nhưng thuyết phục người lớn tuổi về một không gian tiện dụng cũng rất quan trọng. “Ví dụ, về sự giao thoa này là căn bếp, ở văn hóa Á Đông, bếp sẽ được cất kỹ sâu trong nhà, khuất tầm mắt hoặc thậm chí là một không gian riêng với chuồng trại nuôi gia cầm, tách biệt khỏi khu nhà chính. Ngày nay, không gian bếp trở thành tâm điểm của căn nhà như các thiết kế hiện đại phương Tây, nó là một không gian liên thông giữa phòng khách, bếp và ăn. Điều này được không chỉ giới trẻ mà người lớn tuổi cũng nhận thấy sự hợp lý, tích cực trong sự phân chia công năng mới mẻ này. Dự án Tranquille House (Ngôi nhà yên tĩnh) nằm ở phường Thủy Xuân là một ví dụ cụ thể cho việc Chi Mai đã thuyết phục được ba mẹ lớn tuổi sử dụng dạng bố trí này.
Mỗi dự án với chị đều có giá trị riêng, làm việc cũng là lúc chị “hưởng thụ” khi được bay bổng trong giấc mơ tạo dựng ra những không gian hoàn mỹ. “Trong tương lai cũng như hiện tại, mình và LimDim House vẫn luôn mong muốn đưa vào kiến trúc những giá trị thực nhưng ý nghĩa. Nói một cách hơi “đao to búa lớn” thì mình muốn dùng ngọn lửa nhiệt huyết trong cách làm việc để mỗi ngôi nhà mình thiết kế đều là nơi “chữa lành” tâm hồn chủ nhân của nó khi trở về”.