Trong nghệ thuật tuồng, mặt nạ là điểm nhấn độc đáo tạo nên phần hồn của vở diễn |
Tác phẩm hội họa
Xuất thân từ gia đình có truyền thống nghệ thuật, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) La Thanh Hùng không chỉ thành công qua nhiều vở diễn, mà còn được biết đến là một trong số ít nghệ sĩ nắm giữ kỹ thuật hóa trang mặt nạ nhân vật trong các vở tuồng. Là con trai cố nghệ nhân La Cháu, nghệ nhân tuồng cung đình cuối cùng của triều Nguyễn, từ khi mới 8-9 tuổi, NSƯT La Thanh Hùng đã vào nghề, trở thành diễn viên.
Anh rất đam mê hóa trang và có thể tự hóa trang cho mình. Nhìn các cụ nghệ nhân hóa trang, anh nhớ, nắm vững nguyên lý và biết cách hóa trang hầu hết mặt nạ của từng nhân vật trong các vở tuồng. Hiện nay, anh được xem là người duy nhất có thể nhớ và kẻ được chi tiết từng nét vẽ trên từng chiếc mặt nạ của hàng trăm nhân vật trong hàng chục vở diễn của tuồng Huế.
Theo NSƯT La Thanh Hùng, trong tuồng, mỗi nhân vật có một mặt nạ khác nhau. Với ba tông màu chủ đạo là đen, đỏ, trắng, mỗi mặt nạ đều tượng trưng cho tính cách nhân vật. Khuôn mặt trắng tượng trưng cho nhân vật phản diện; mặt đỏ biểu trưng cho khí tiết anh hùng, cương trực; mặt đen tượng trưng cho sự cứng rắn…
NSƯT La Thanh Hùng chia sẻ: “Khi kẻ mặt nạ cho các nhân vật của sân khấu tuồng, tôi luôn tâm niệm dù người nghệ sĩ có diễn xuất thành công đến đâu, nhưng kẻ mặt nạ tuồng không đẹp, không đúng với nhân vật thì vở diễn chưa thành công. Mỗi chiếc mặt nạ là một tác phẩm hội họa gắn liền với nhân vật sân khấu tuồng, diễn viên có tỏa ra cái thần của nhân vật hay không một phần cũng do người hóa trang. Phải nắm được nguyên lý khuôn vẽ của từng mặt nạ cho từng mô hình nhân vật thì mới hóa trang nhiều được”.
Sự độc đáo của ngôn ngữ mặt nạ cũng chính là một trong những yếu tố cốt lõi làm nên giá trị của nghệ thuật tuồng Huế. Khi nhìn vào mặt nạ tuồng, khán giả có thể thấy được thần khí của nhân vật là người cương trực hay kẻ xu nịnh, đại diện cho cái tốt hay cái xấu. Vì vậy, người vẽ mặt nạ tuồng phải có tay nghề, kinh nghiệm, am hiểu về ý nghĩa đặc trưng của họa tiết hoa văn từng mặt nạ để thể hiện thần thái và sự tỉ mỉ qua từng nét vẽ.
Truyền tải vẻ đẹp độc đáo của nghệ thuật tuồng
Tuồng là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt. Bộ môn nghệ thuật này xuất hiện khá sớm, đến đời các vua Nguyễn, tuồng càng được chú trọng và đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật sân khấu. Phát triển trong một điều kiện lịch sử, chính trị đặc biệt nên nghệ thuật tuồng ở Huế mang những bản sắc riêng so với các nơi khác. Các nghệ nhân tuồng Huế có những bí quyết để tạo nên nét đặc trưng riêng mà chỉ có những người rất am hiểu mới nhận biết được.
Trong nghệ thuật tuồng, nghệ thuật kẻ mặt nạ là một trong những yếu tố đặc sắc, điển hình. Từ trước đến nay, kẻ mặt nạ trong nghệ thuật tuồng mang tính truyền khẩu, bắt chước. Lâu dần, do phần nhiều chưa hiểu ý nghĩa độc đáo trong từng chi tiết hoa văn, nét vẽ nên nghệ sĩ kẻ mặt nạ tuồng dần mất đi tính truyền thống và bản sắc đặc trưng. Hiện nay, rất ít nghệ sĩ trẻ am hiểu kỹ thuật vẽ mặt nạ tuồng.
Theo bà Lê Mai Phương, Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, trong nghệ thuật hát tuồng, chiếc mặt nạ là đạo cụ sân khấu quan trọng bậc nhất, là điểm nhấn tạo nên phần hồn và chất, truyền tải một vẻ đẹp độc đáo của bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống này. Khuôn mặt trong tuồng cũng dựa vào ngoài đời để tạo nên nhiều mẫu mặt nạ của từng nhân vật.
Tuồng đã cách điệu màu da ngoài đời thực để đưa vào cách kẻ mặt cho các nhân vật của mình: da trắng, da đen, da đỏ, da vàng… với các ý nghĩa đặc trưng. Những mảng trắng trên khuôn mặt nhân vật biểu hiện cơ mặt trên khuôn mặt đó. Các nét vẽ trong mặt nạ tuồng thường lấy từ các hình tượng dân gian như long, lân, quy, phượng tượng trưng cho sự vương giả, quý phái hay sức mạnh, quyền lực. Mặt nạ tuồng vẽ tập trung vào đôi mắt để diễn tả cái thần của nhân vật.
Để giới thiệu, tôn vinh nghệ thuật tuồng Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đã chế tác mặt nạ tuồng để quảng diễn, giới thiệu đến công chúng. Trong chương trình “Ngàn xưa âm vọng” tại Festival Huế 2022, lần đầu tiên trên đường phố xuất hiện chương trình quảng diễn nghệ thuật sân khấu cổ, phô diễn vẻ đẹp trang phục và mặt nạ tuồng với màu sắc rực rỡ, sống động.
Điểm nhấn của chương trình là các nghệ sĩ, diễn viên vào vai 100 nhân vật tuồng với các loại trang phục, hóa trang mặt nạ khác nhau để phô diễn, tạo ra sự sinh động đầy màu sắc và có sức gợi, tả về một loại hình nghệ thuật phổ biến ngày xưa. Các loại mặt nạ thể hiện sự đa dạng về thể loại nhân vật, đặc trưng về tính cách, phong phú về màu sắc và cân đối cả về giới tính, độ tuổi, thể hiện đầy đủ chân dung các nhân vật trong nghệ thuật tuồng cổ, từ vai đào, vai kép, nịnh, tướng… trong các vở tuồng truyền thống. Hầu hết những mặt nạ này đều do NSƯT La Thanh Hùng thực hiện.
Năm nay, chương trình nghệ thuật quảng diễn tuồng Huế “Ngàn xưa âm vọng” sẽ tiếp tục được tổ chức trong khuôn khổ Festival Huế 2023. Với các hoạt động này, những người thực hiện chương trình mong muốn có được sản phẩm trực quan sinh động, dễ đi vào tâm trí của khán giả, góp phần tôn vinh nghệ thuật của nước nhà và là cách thiết thực nhất để bảo tồn, gìn giữ, phát huy tài sản văn hóa của dân tộc.