Nhu cầu trong nước tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ASEAN+3. Ảnh minh hoạ:Tapchitaichinh.vn 

Trong đó, AMRO duy trì dự báo tăng trưởng năm 2024, vốn đã đưa ra vào tháng 7 cho 10 quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, tức nhóm ASEAN+3, kỳ vọng khối khu vực sẽ tăng trưởng 4,5%.

Điều này phản ánh đà tăng trưởng được cải thiện của Trung Quốc và tác động tích cực từ các biện pháp hỗ trợ chính sách, bên cạnh việc tiêu thụ hàng hoá lâu bền của Mỹ tăng dần và sự phục hồi đúng như dự kiến của chu kỳ công nghệ toàn cầu.

Nhận định về tình hình khu vực, nhà kinh tế trưởng của AMRO Khor Hoe Ee cho rằng: “Bất chấp những tin tức ảm đạm xung quanh hoạt động kinh tế của Trung Quốc, chúng ta phải nhìn nhận mọi thứ bằng một góc nhìn khác. Ngoài lĩnh vực bất động sản, đầu tư sản xuất đang được duy trì và chi tiêu tiêu dùng đang bắt đầu quay trở lại đúng hướng. Những điều này sẽ có tác động tạo ra hiệu ứng lan toả tích cực đến phần còn lại của khối ASEAN+3”.

Thêm vào đó, Tiến sĩ Khor Hoe Ee nhấn mạnh, sự bùng nổ du lịch trong kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng của Trung Quốc từ ngày 29/9 – 8/10 năm nay là một ví dụ. Cụ thể, với việc chính quyền đã chuẩn bị tốt cho tuần nghỉ lễ này, các chuyên gia tin tưởng chi tiêu của người tiêu dùng vẫn ở đó và sẽ bùng nổ vào cuối năm nay.

Riêng ASEAN

Ngoài Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc…, ASEAN được dự đoán sẽ chứng kiến tăng trưởng ở mức 5% vào năm 2024, giảm so với mức ước tính 5,1% đưa ra vào tháng 7. Trong năm nay sẽ tăng trưởng ở mức 4,4%, giảm so với mức 4,5% đưa ra trước đó.

Báo cáo của AMRO chỉ ra rằng: ‘Ước tính tăng trưởng tổng hợp của ASEAN cho năm 2023 hầu như không thay đổi. Tỷ lệ này một phần được củng cố nhờ chi tiêu mạnh mẽ của khu vực tư nhân và sự phục hồi liên tục của ngành du lịch”.

Động lực tăng trưởng

Nhu cầu trong nước tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ASEAN+3.

Báo cáo nêu rõ các điều kiện việc làm tốt và cải thiện thu nhập hộ gia đình là nền tảng cho sức mạnh của tiêu dùng cá nhân. Các hoạt động trong lĩnh vực hướng tới thị trường nội địa bao gồm thương mại bán lẻ đã được củng cố, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực lữ hành và du lịch.

Ngược lại, chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ đã thúc đẩy tâm lý kinh doanh trên toàn khu vực và một số nền kinh tế đã có hoạt động đầu tư mở rộng hơn.

Đối với xuất khẩu hàng hoá – “Điều tồi tệ nhất sẽ sớm qua”

Mặc dù xuất khẩu hàng hoá của khu vực vẫn còn yếu, do nhu cầu yếu từ các đối tác thương mại lớn và tác động tiêu cực từ chu kỳ suy thoái của ngành điện tử toàn cầu, nhưng sự co lại dường như đang giảm bớt.

Hiện tại, các chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) từ tháng 7 đến tháng 8 về các đơn đặt hàng xuất khẩu trong tương lai cho thấy các nhà xuất khẩu ASEAN+3 đã bớt bi quan hơn.

Lạm phát cơ bản

Lạm phát chung cho khu vực ASEAN+3, ngoại trừ Lào và Myanmar, được dự báo sẽ giảm từ mức ước tính 2,9% trong năm 2023 xuống còn 2,6% trong năm 2024.

Con số của năm 2023 đã bị cắt giảm so với mức 3% đưa ra trước đó, trong khi tỷ lệ lạm phát của năm 2024 đã được điều chỉnh tăng lên so với mức 2,4% vốn đã được dự đoán.

So với những gì đưa ra vào tháng 7, một nửa của khu vực ASEAN+3, cụ thể là Nhật Bản, Hàn Quốc, Brunei, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, hiện được dự báo sẽ chứng kiến tỷ lệ lạm phát cao hơn vào năm 2024. Điều này là do “xu hướng tăng giá hàng hoá toàn cầu và lạm phát cơ bản vẫn tăng cao ở một số nền kinh tế”.

Rủi ro giảm giá

Trong số những rủi ro cần chú ý là khả năng giá hàng hoá toàn cầu tăng vọt.

El Nino, hiện tượng mà Tiến sĩ Khor Hoe Ee nhận định là “nguyên nhân gây lạm phát”, có thể đẩy giá cả trên thị trường tăng cao hơn nữa, đặc biệt nếu điều kiện tồi tệ hơn có thể dẫn đến việc bổ sung các chính sách thương mại hạn chế đối với hàng nhập khẩu nông sản quan trọng.

Có thể nói rằng, tác động của giá cả hàng hoá đối với lạm phát ở ASEAN+3 sẽ mạnh hơn nếu đồng dollar Mỹ tiếp tục mạnh lên so với các đồng tiền trong khu vực.

Hơn nữa, việc tiếp tục cắt giảm nguồn cung dầu đến năm 2024 sẽ khiến giá năng lượng tăng cao trong thời gian dài hơn.

Bên cạnh đó, báo cáo của AMRO cũng nêu lên rủi ro quan trọng nhất đối với triển vọng tăng trưởng của khu vực là căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại, công nghệ. Tình hình căng thẳng nếu leo thang hơn nữa sẽ tác động tiêu cực đến dòng chảy thương mại và đầu tư của ASEAN+3.

Đan Lê (Lược dịch từ The Business Times)