Khởi công dự án nhà ở xã hội Eco Garden |
Sức bật từ các dự án
ngoài ngân sách
Những năm qua, các dự án đầu tư ngoài ngân sách hoàn thành đi vào hoạt động đã phát huy được hiệu quả đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước địa phương.
Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, chỉ tính trong giai đoạn 2017-2022, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 259 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 86.097 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư đã thực hiện khoảng 13.802 tỷ đồng, chiếm 16,0% trên tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó, có 36 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 19.316 tỷ đồng, chiếm 22,4% tổng vốn đầu tư. Dù chỉ chiếm 22,4% tổng vốn đầu tư, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lại có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển, nhất là thu ngân sách địa phương và giải quyết việc làm. Chỉ tính trong năm 2022, khu vực này đã nộp ngân sách 3.350 tỷ đồng; giải quyết 22.500 lao động địa phương.
Các dự án đầu tư ngoài ngân sách ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề an sinh cũng như tạo nên những bức tranh mới trong không gian đô thị. Và để phấn đấu đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp thì, việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách là hết sức cần thiết.
Số liệu Cục Thống kê tỉnh cho thấy, tính đến tháng 9, tổng vốn đầu tư thực hiện theo giá hiện hành trên địa bàn trong 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 21.817 tỷ đồng. Nếu phân theo nguồn vốn đầu tư thì ngoài 4.564 tỷ đồng từ nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước, số vốn đầu tư còn lại do doanh nghiệp, nguồn vốn tín dụng; vốn đầu tư của dân; vốn đầu tư nước ngoài đầu tư trực tiếp đầu tư. Nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn đang thực hiện các dự án: nhà máy sản xuất chế biến gỗ tinh chế MPWOOD; xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây; các dự án nhà ở tại khu đô thị mới An Vân Dương… Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục thực hiện các dự án chuyển tiếp và khởi công mới trong năm như: dự án mở rộng Nhà máy Kanglongda Huế giai đoạn 2,3; tổ hợp Khách sạn Huế Square; Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn, thị xã Hương Thủy; Trung tâm thương mại AEON Mall…
Thúc đẩy kêu gọi đầu tư
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhận thức được tầm quan trọng của các dự án đầu tư ngoài ngân sách trong năm, tỉnh tập trung thúc đẩy đưa các dự án này sớm đi vào hoạt động. Đồng thời, triển khai hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án dự kiến khởi công mới trong năm 2023. Và để thúc đẩy, đưa các dự án sớm đi vào hoạt động, Thừa Thiên Huế tập trung hỗ trợ đầu tư đối với các dự án hiện hữu theo sự vận hành của 4 tổ công tác liên ngành, đặc biệt tổ xúc tiến và hỗ trợ đầu tư.
Theo đó, 4 tổ công tác sẽ rà soát, tổng hợp và chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan để giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án. Đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan. Mục tiêu cuối cùng là xử lý dứt điểm vướng mắc các dự án để đẩy nhanh tiến độ, với mục tiêu cao nhất là sớm đưa các dự án đi vào hoạt động.
Song song với công tác hỗ trợ đầu tư giải quyết khó khăn, vướng mắc, tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để thúc đẩy thu hút đầu tư mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Công tác thu hút đầu tư cũng được thực hiện trên cơ sở chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao, đảm bảo sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị và đảm bảo phát triển hài hòa giữa các vùng miền.
Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, kế hoạch thu hút đầu tư đang điều chỉnh hướng vào các lĩnh vực trọng tâm hơn trên cơ sở xác định lĩnh vực mũi nhọn, lợi thế của tỉnh, ngành góp phần nâng cao nguồn thu của tỉnh. Trong đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các dự án công nghệ cao, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0. Kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, thu hút lao động từ các địa phương và nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Thừa Thiên Huế. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư dự án logistics và cảng biển để tăng tính chủ động trong việc lưu thông hàng hóa và góp phần hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Với mục tiêu theo đuổi tăng trưởng xanh, tỉnh cũng ưu tiên kêu gọi đầu tư các nguồn năng lượng sạch, tái tạo như: điện gió, điện mặt trời, điện khí… Ngoài ra, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ sạch, công nghệ cao và thân thiện môi trường, hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng, công nghiệp hỗ trợ cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch; phát triển kinh tế biển và đầm phá trên cơ sở tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái. Gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia, hình thành hệ thống khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa.