Đưa thuyền lên cao tránh trú bão và biển động |
Từ hơn 10 ngày nay, hầu hết thuyền bãi ngang ven biển trên địa bàn tỉnh phải nằm bờ vì biển động. Chiếc thuyền nan của anh Võ Bắc ở xã Phong Hải (Phong Điền) ngoài đánh bắt hải sản còn thường xuyên hỗ trợ du khách trải nghiệm nghề chài lưới, câu cá gần bờ cũng phải nằm bờ từ nhiều ngày nay.
Anh Bắc bảo, những ngày biển động thì thuyền nằm bờ là chuyện thường, nhưng bảo vệ an toàn cho thuyền và ngư cụ trong mùa mưa bão mới là điều đáng lo. Vùng bãi ngang ven biển lâu nay tiềm ẩn nhiều rủi ro khi những con sóng bạc đầu, cao lớn có thể lùa vào bãi biển, đánh hư hỏng thuyền.
Trở ngại lớn trong việc trú tránh sóng biển, bão lớn đối với thuyền bãi ngang là không thể xây dựng âu thuyền neo đậu, ngư dân chủ yếu đưa thuyền lên càng xa bờ càng tốt. Tuy nhiên, với những trận bão lớn, sóng lớn cũng có thể gây mất an toàn, thuyền có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào.
Để đóng mới, hay mua sắm một chiếc thuyền nan cũng phải mất từ trên 100 triệu đến vài trăm triệu đồng. Chi phí máy móc, thiết bị, ngư cụ cũng thêm cả trăm triệu đồng. Vì vậy, bảo vệ an toàn cho thuyền, ngư cụ trong mùa mưa bão luôn được người dân hết sức quan tâm.
Khai thác gần bờ tuy hiệu quả kinh tế không cao như đánh bắt xa bờ, nhưng là nghề mưu sinh chính của một bộ phận ngư dân vùng bãi ngang ven biển từ Phong Điền đến Phú Lộc. Nhiều hộ ngư dân thường xuyên bám biển, đa dạng hóa nghề như chài lưới, câu cá, câu mực, bủa ruốc (khuyết)... có cuộc sống ổn định.
Mỗi lần đưa thuyền lên cao, hay đưa thuyền trở lại bờ để đi biển thường mất nhiều thời gian, công sức. Một số nơi mua sắm xe đẩy thuyền nhưng số lượng còn ít, chưa phổ biến, chưa đáp ứng yêu cầu. Gánh, đẩy thuyền lên cao tránh trú bão là giải pháp thông dụng, phổ biến. Máy móc, ngư cụ cũng phải tháo dỡ đưa về nhà cất giữ.
Để đảm bảo an toàn hơn, người dân tận dụng các gốc cây dương liễu để giằng neo thuyền. Nhiều ngư dân còn đưa thuyền lên trú tránh trong khu dân cư, nhưng phương án này sẽ bất tiện, tốn công sức khi di chuyển thuyền trở lại biển. Thuận lợi lớn là ngư dân vùng biển rất đoàn kết, thường hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình di chuyển, đưa thuyền lên bờ tránh trú bão. Và khi biển lặng, nhiều người dân dù không tham gia nghề biển cũng giúp đỡ nhau đưa thuyền trở lại bờ và hỗ trợ đưa thuyền ra biển.
Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu chia sẻ, ngư dân ven biển Phong Hải có nhiều kinh nghiệm trong tránh trú bão an toàn cho thuyền gần bờ, nhất là kể từ sau trận bão lớn năm 1985 gây nhiều thiệt hại ngư cụ. Nhiều thuyền bị sóng đánh trôi, hư hỏng hoàn toàn, thiệt hại lớn trong trận bão lớn này. Những năm gần đây, mặc dù mưa bão không gây thiệt hại lớn nhưng người dân vẫn không chủ quan trong việc bảo vệ thuyền.
Trước mùa mưa bão năm nay, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa đài phát thanh, thậm chí trực tiếp đến hộ gia đình để vận động, hướng dẫn ngư dân đưa thuyền lên cao trú tránh bão kịp thời. Khi có dự báo thời tiết xấu, bão sắp độ bộ vào đất liền, địa phương khẩn trương kiểm tra dọc bờ biển và nhắc nhở, đốc thúc những trường hợp chậm đưa thuyền lên cao trú tránh.