Hướng dẫn mô hình, kỹ thuật sản xuất cho hộ nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững 

Hỗ trợ đúng nguyên nhân, địa chỉ nghèo

Qua kết quả điều tra của ngành lao động - thương binh và xã hội, trong 7 nguyên nhân nghèo của hộ nghèo, có 2 nguyên nhân được xác định là chính yếu. Trong đó, nguyên nhân nghèo do "không có đất sản xuất" hiện có 4.067 hộ, chiếm tỷ lệ hơn 36% và nguyên nhân "không có vốn sản xuất, kinh doanh" có 4.816 hộ, chiếm tỷ lệ hơn 41%.

Để giải quyết nguyên nhân "không có đất sản xuất", nếu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN); hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN sinh sống bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp chưa có đất sản xuất, hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất thì được chính quyền địa phương xem xét, hỗ trợ trực tiếp bằng đất sản xuất hoặc xét, hỗ trợ chuyển đổi nghề theo Thông tư số 02/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022 của Ủy ban Dân tộc. Nếu những trường hợp trên có nhu cầu chuyển đổi nghề hoặc có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất nhưng không bố trí được đất sản xuất thì được xem xét, hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Đối với các hộ không nằm trong khu vực thụ hưởng của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương thực hiện phương án giảm nghèo theo từng hộ sẽ chú trọng đến hỗ trợ khắc phục bằng cách giới thiệu việc làm, chuyển đổi nghề theo nguyện vọng của từng hộ.

Thiếu vốn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo và cung cấp tín dụng được coi là biện pháp có hiệu quả kịp thời. Đối với nguyên nhân "không có vốn sản xuất, kinh doanh" được áp dụng hỗ trợ theo quy định tại Dự án 2 - Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và Tiểu dự án 1 - Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp của Dự án 3 Quyết định số 90 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình). Theo đó, hộ nghèo khi tham gia các dự án này sẽ được hỗ trợ vốn thông qua con giống, cây giống, trang, thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh, thức ăn… để phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh. Và theo quy định hiện hành, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, cải thiện thu thập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Ngoài ra, để giúp thêm cho hộ nghèo có điều kiện, khuyến khích, động viên hộ nghèo vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tại Nghị quyết số 20 của HĐND tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn cho hộ nghèo. Theo đó, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh được cơ quan có thẩm quyền công nhận theo kết quả điều tra từng năm (không bao gồm hộ nghèo không có khả năng lao động) có khoản vay vốn đáp ứng đầy đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ lãi suất theo quy định. Mức hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay vốn là 50% lãi suất tính trên số dư nợ vay của khoản giải ngân được giải ngân trong thời gian thực hiện hỗ trợ lãi suất và thời gian vay được hỗ trợ lãi suất.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ngoài các chính sách nêu trên, người nghèo vẫn tiếp cận được chính sách tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và hưởng ưu đãi từ các Nghị quyết đã được HĐND tỉnh ban hành như các chính sách hỗ trợ cải thiện việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Tạo động lực để hộ nghèo thoát nghèo

Hiện nay, có rất nhiều chương trình hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn để học tập, tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh. Thông qua việc vay vốn, hộ nghèo có thêm điều kiện về sinh kế để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, với các chương trình vay vốn này, bên cạnh việc phải trả tiền gốc theo quy định thì các hộ vay phải trả lãi theo định kỳ, nên gây áp lực, khó khăn cho hộ vay, dẫn đến cản trở một số hộ nghèo không dám mạnh dạn vay vốn để làm ăn.

Vừa qua, UBND tỉnh có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2023-2025, trong đó có chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo có khả năng lao động vay vốn lãi suất ưu đãi 0%, mức vay vốn tối đa 50 triệu đồng/hộ. Với chính sách này sẽ giúp hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay mà không lo về lãi suất, yên tâm tập trung để làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh những giải pháp hỗ trợ về vốn, cấp đất sản xuất, việc thực hiện tập huấn kỹ thuật cho nông dân, xây dựng mô hình để hướng dẫn người nông dân kỹ thuật trồng trọt, canh tác, chăn nuôi đang được các cấp, ngành chú trọng. Mỗi hộ nghèo đều có nguyên nhân, hoàn cảnh khác nhau, nên cần được hỗ trợ đúng, hợp lý và chỉ cho cách áp dụng những giống cây, con vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Cần đưa cơ cấu giống mới vào sản xuất phù hợp với đất đai, thời vụ và điều kiện canh tác của từng vùng, từng địa phương.

Các chính sách hỗ trợ trực tiếp hiện nay rất quan trọng, nhưng theo nhiều ý kiến là không nên làm đại trà và trong một thời gian dài. Trong đó, tập trung đổi mới việc thực hiện các dự án, mô hình sinh kế theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ có điều kiện, gắn với các hình thức liên kết, hợp tác và phát triển chuỗi giá trị. Bên cạnh trực tiếp "cho con cá" cần đầu tư hạ tầng, đầu tư cho các chương trình phát triển kinh tế địa phương, hỗ trợ tín dụng, đầu tư cho giáo dục, y tế, theo đó tạo công ăn việc làm, tăng thụ hưởng dịch vụ công cho người nghèo ở các vùng nghèo mới là giải pháp giảm nghèo căn cơ nhất.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG