Hiện trường trước đó của vụ cháy xảy ra tại chợ Điền Hải (Phong Điền) |
Mới đây, chợ Ba Đồn, TX. Ba Đồn (Quảng Bình) – một trong những ngôi chợ lớn của địa phương này đã xảy ra cháy. Vụ cháy không thiệt hại về người, nhưng ngọn lửa đã làm thiêu rụi nhiều hàng hóa của bà con tiểu thương. Nguyên nhân vụ cháy được xác định, do ngày rằm, một tiểu thương buôn bán tại chợ đã tự ý thắp hương dẫn đến cháy.
Trên địa bàn tỉnh đã từng xảy ra cháy chợ. Đó là chợ Tứ Hạ (TX. Hương Trà) và Điền Hải (Phong Điền). Hậu quả của những vụ cháy chợ xảy ra là rất lớn đối với bà con tiểu thương.
Ngay như chợ Tứ Hạ, khi vụ cháy xảy ra, nhiều tiểu thương bức xúc phản ánh, ban quản lý chợ không có người canh trực nên việc phát hiện và báo tin cháy quá muộn. Khi người dân có mặt tại hiện trường tìm cầu dao điện tổng để cắt nguồn điện và tìm bình chữa cháy nhưng phòng của ban quản lý chợ khóa cửa. Hệ thống nước chữa cháy của chợ không thể kích hoạt vì không có máy nổ…
Tại chợ Điền Hải, vụ cháy được phát hiện khá muộn. Phía trong chợ toàn những hàng hóa dễ bắt lửa, nên phạm vi cháy khá rộng, khiến lực lượng chức năng rất vất vả mới tiếp cận được ngọn lửa.
Từ 2 vụ cháy chơ trên, đều xảy ra cháy lúc đêm khuya, rạng sáng. Khi mà mọi hoạt động của người dân tạm dừng. Do vậy, hậu quả của 2 vụ cháy là rất lớn.
Chợ Nong, xã Lộc Bổn (Phú Lộc) cũng từng xảy ra cháy. Vụ cháy không thiệt hại về người, nhưng nhiều tài sản của các tiểu thương bị ngọn lửa thiêu rụi.
Không chỉ cháy chợ, một vụ cháy cột điện ngay sát chợ Dạ Lê, phường Thủy Phương (TX. Hương Thủy) cũng đã từng xảy ra làm các tiểu thương hoảng loạn.
Qua tổng rà soát công tác PCCC tại các cơ sở cháy nổ cao, nhà trẻ, cơ sở chung cư, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê có mật độ người ở cao của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh cùng lực lượng chức năng cho thấy, nguy cơ cháy nổ tại các chợ là rất lớn.
Thượng tá Phan Thanh Phong, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh cho biết, từ thực tế khảo sát, chúng tôi nhận thấy, cũng như các cơ sở nhà trẻ, các chợ nguy cơ cháy là rất cao và đây là vấn đề đáng lo ngại. Theo quy định hiện nay, tất cả các chợ phải đầy đủ các quy định về PCCC, nhưng do các chợ hình thành có trước quy định, nên còn những bất cấp trong PCCC cần phải khắc phục sớm.
Theo Thượng tá Phan Thanh Phong, những bất cập này đã được lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh cùng các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương hướng dẫn để tìm cách khắc phục.
Để chủ động phòng ngừa không để xảy ra cháy, nổ tại các chợ, trung tâm thương mại, lãnh đạo các địa phương, nhất là các ban, tổ quản lý các chợ phải tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh tự giác thực hiện các biện pháp an toàn PCCC.
Đó là, thường xuyên kiểm tra việc sắp xếp, bố trí hàng hóa tại các quầy, sạp của các hộ kinh doanh. Hệ thống điện tại các chợ phải tách thành hệ thống điện phục vụ kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng. Khi lắp đặt phải tính toán dòng điện tiêu thụ tránh hiện tượng quá tải. Hết giờ kinh doanh, các hộ phải ngắt nguồn điện trong khu vực, chỉ để lại nguồn điện phục vụ công tác bảo vệ.
Tuyệt đối không tự ý câu mắc theo đường dây dẫn điện các thiết bị tiêu thụ điện như: quạt, đèn, ti vi, bếp điện… sẽ dẫn đến hiện tượng quá tải, gây cháy. Nghiêm cấm việc kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất nguy hiểm có nguy cơ gây cháy, nổ như: xăng, dầu, cồn, ga, các hóa chất dễ cháy khác trong khu vực nhà lồng.
Không được đun nấu, thắp nhang, đèn thờ cúng, vật liệu dễ cháy vào quầy, sạp hàng. Trang bị phương tiện chữa cháy đủ để tham gia chữa cháy, cứu người phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy, nổ; thành lập đội PCCC tại các chợ phải có đủ lực lượng để thường trực, tuần tra phát hiện cháy kịp thời. Thường xuyên, định kỳ tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, thực tập phương án, hướng dẫn thoát nạn và cứu người cho đội PCCC tại các chợ…
Ðể chủ động công tác phòng ngừa, không để xảy ra cháy và giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ xảy ra tại các chợ truyền thống, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH phải thường xuyên hướng dẫn chủ cơ sở, ban quản lý chợ và đội viên đội PCCC cơ sở các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC; kiểm tra, đôn đốc, kịp thời xử lý triệt để các vi phạm quy định an toàn về PCCC; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án CNCH để chủ động ứng phó khi có tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra.
Bên cạnh đó, chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương quan tâm đầu tư cho hoạt động PCCC, có những giải pháp PCCC, kịp thời khắc phục những yếu kém, bất cập, nguy cơ dẫn đến cháy tại các chợ truyền thống... Nên có mô hình "Chợ kiểu mẫu đạt chuẩn về PCCC".
Theo quy định hướng dẫn Luật PCCC và Luật PCCC sửa đổi: Chợ kiên cố, bán kiên cố thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của UBND cấp huyện trở lên. Các chợ kiên cố, bán kiên cố khác, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hóa cần có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở.
Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ PCCC trong cơ sở; hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC.
Quy trình kỹ thuật an toàn về PCCC phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; có lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ; có phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ sở bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC; có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát phòng PCCC; có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC theo quy định của Bộ Công an.