Phụ huynh cùng bác sĩ hỗ trợ trẻ thực hiện các bài kiểm tra trắc nghiệm trí tuệ 

Lo lắng

Vừa nhập học 2 tháng, bé H.H.Đ. 7 tuổi  (TP. Huế) đến lớp hay xô xát với bạn, học không tập trung. Quan sát con học tập và sinh hoạt, vợ chồng chị N.T.L. đưa cháu đến Bệnh viện Tâm thần (BVTT) Huế khám.

Qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ cho Đ. vào phòng tâm lý kiểm tra trí tuệ cho bé. Trong quá trình thực hiện trắc nghiệm Raven màu, từ bài thứ 5-10, cháu có biểu hiện bồn chồn, tìm cách rời khỏi ghế. Bác sĩ Trần Thị Hồng Phương, người trực tiếp thực hiện các bài trắc nghiệm cho bé Đ. hỏi han, trò chuyện với bé và trao đổi cụ thể với cha mẹ Đ. Chị N.T.L. mẹ bé tỏ vẻ lo ngại khi biết bác sĩ chẩn đoán con chị bị tăng động, giảm tập trung. Cha Đ. phân trần: “Cháu biết nhiều điều nhưng có vẻ không thích học, không thích làm theo lời cô giáo và người lớn. Lúc 3 tuổi, khi đang học lớp mầm non, gia đình có đưa bé đến bệnh viện khám kiểm tra nhưng kết luận bình thường”.

Có nhiều rối loạn tâm thần thường gặp ở trẻ, điển hình là rối loạn hành vi, rối loạn học tập, chậm phát triển trí tuệ, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc… Yếu tố cá nhân, gia đình, xã hội đều là nguyên nhân gây ra rối loạn tâm thần ở trẻ. BVTT từng tiếp nhận khá nhiều ca đến thăm khám, tư vấn về sức khỏe tâm thần cho trẻ; mặt bệnh này nổi lên thời gian gần đây và cần được đánh động nhằm nâng cao ý thức trong cộng đồng.

Mang nhiều âu lo, gia đình chị Trần T.Th. từ Phú Lộc đưa hai con song sinh đang học tiểu học tìm đến BVTT nhờ các bác sĩ kiểm tra xem con mình có bị khuyết tật về trí tuệ hay không. Hai con chị đến lớp có biểu hiện giảm chú ý, học tiếp thu chậm, phản xạ kém, thích chơi một mình. Cả hai khó hòa nhập cùng bạn bè, cô giáo đề nghị phụ huynh cho các cháu đi khám chuyên khoa.

Chị Th., mẹ bé kể, chị đi làm ăn xa nên để bé ở nhà cho ông bà nội và ba chăm từ nhỏ. Hai năm trở lại đây, sau dịch COVID-19, chị mới ở lại quê nhà. Ở độ tuổi mầm non, nhận thấy con phản xạ và ghi nhớ đồ vật không bằng bạn bè cùng trang lứa, chị dành nhiều thời gian bên con hơn. “Từ ngày ở nhà, tôi cố gắng mua nhiều đồ chơi trí tuệ, cho con đi đây đó tiếp xúc học hỏi nhưng thằng anh trí nhớ không tốt bằng, đứa em hỏi còn trả lời nhanh hơn”, chị Th nói.

Ở tuyến huyện không có chuyên khoa về sức khỏe tâm thần, chị chỉ biết theo sát con. Nơi chị ở, hầu hết cha mẹ đi làm ăn ngoại tỉnh giao con cho ông bà nên vấn đề về tâm lý, sức khỏe trẻ ít được quan tâm. “Cô giáo động viên đi khám, xác nhận tình trạng bệnh của cháu để phía nhà trường có thể phân loại, cần sự quan tâm hơn trong học tập nên tôi mới lặn lội tìm đến bệnh viện ở thành phố. Mong các bác sĩ tư vấn, hướng dẫn để việc điều trị đến nơi đến chốn, giảm bớt áp lực trong việc học hành, bởi các cháu còn quá nhỏ”, chị chia sẻ.

Biểu hiện đa dạng, cha mẹ cần theo sát

Trẻ em, lứa tuổi vị thành niên thường nảy sinh các vấn đề về học tập, nhất là những năm học đầu cấp. Nguyên nhân có thể là do rối loạn phát triển bẩm sinh chưa được nhận biết hoặc môi trường gây ra rối loạn lo âu, stress, rối loạn phát triển lan tỏa… Khi thấy biểu hiện bất thường của học sinh, giáo viên có thể đề nghị phụ huynh cho con đi khám chuyên khoa.

ThS.BS. Hồ Dũng, Giám đốc BVTT thông tin: “Gần đây, BV tiến hành điều trị triệu chứng đích như tăng động, giảm chú ý; mảng bệnh này được BHYT thanh toán. Hiện các dịch vụ sức khỏe tâm thần trẻ em còn khá mới, chúng tôi vừa củng cố đội ngũ vừa truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng. BV mong nhận được thông tin từ các phòng khám nhi khoa, trung tâm y tế, cơ sở giáo dục để phối hợp khám và xác định các rối loạn phát triển ở trẻ”.

Mảng tâm lý trường học muôn hình vạn trạng, thầy cô cũng chính là những “bác sĩ tâm lý” đầu tiên gần gũi với học sinh. Em Chế Nguyễn Anh Nhật, học sinh lớp 12A7, Trường THPT Hai Bà Trưng thổ lộ: “Ở lớp cuối cấp, áp lực học tập cùng các mối quan hệ tuổi mới lớn khiến em gặp phải nhiều vấn đề. Lúc này em thường tìm đến thầy cô, bạn bè để tìm hướng giải quyết hợp lý, chí ít là cởi bỏ được âu lo”. Cô Nguyễn Thị Hoa Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng cho hay: “Ở lứa tuổi vị thành niên thay đổi tâm sinh lý và các mối quan hệ xã hội, các em cần sự quan tâm sát sao của gia đình lẫn nhà trường. Chúng tôi khuyến khích học sinh đến phòng tư vấn tâm lý. Với trường hợp bị bệnh hoặc có vấn đề về sức khỏe tâm trí, giáo viên phối hợp với cha mẹ đưa các cháu đi điều trị, can thiệp. Rất mừng là những trường hợp đã nêu đều được cải thiện, các cháu đã quay trở lại với trường lớp”.

Nhắc đến hai từ “tâm thần”, nhiều người thường có tâm lý nhạy cảm, ngại ngùng. Song, bản chất “sức khỏe tâm thần” có nhiều biểu hiện khá đa dạng, không chỉ là mắc rối loạn tâm thần mà còn cả trạng thái thoải mái, sự tự tin vào năng lực bản thân, tính tự chủ… Theo đánh giá chung, mảng tâm lý học đường còn khá mới mẻ, cần có sự định hướng từ tâm lý giáo dục sang tâm lý lâm sàng. Phát hiện sớm, can thiệp kịp thời thì việc điều trị sẽ cải thiện, hiệu quả hơn nếu có sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - bệnh viện.

Bài, ảnh: LINH TUỆ