Bìa cuốn sách mới xuất bản năm 2023 của tác giả Bảo Cường |
Trước hết, thông qua bản trường ca này, nghệ sĩ Bảo Cường muốn nói hộ tình cảm sâu nặng với quê hương của những người con xa xứ. Những vần thơ lục bát của anh viết về vùng quê Dương Hòa rất lắng đọng: Nhiều năm vắng bặt xóm làng/ Giữa lòng vẫn đượm những hàng chè xanh/ Nhớ mùi rơm rạ nắng hanh/ Thơm hương làng Hạ, bước quanh hội mùa. Tình cảm quê hương trong thơ nghệ sĩ Bảo Cường thường gắn với hình ảnh người thân, đặc biệt là cuộc đời tảo tần của mẹ. Những tên làng, tên xóm thân thương cũng được anh lưu giữ mãi trong tâm trí: Đường lên xóm Hộ chao nghiêng/Lối về Đồng Rệ chung chiêng bước tình.
Bảo Cường là một nghệ sĩ lang thang. Bước qua ngưỡng tám mươi, tưởng chừng đã mỏi gối, chồn chân thế mà hễ có lời mời thì dù xa xôi đến mấy anh cũng bươn bả lên đường. Anh vui vẻ ra giao lưu với bạn bè ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Anh vượt suối, băng đèo đến với các bản làng Tây Nguyên. Dọc đường thiên lý, anh đã tận mắt chiêm ngưỡng bao cảnh đẹp của non sông, đất nước: Đèo Cả khúc nhạc mùa xuân/ Hoa vàng mấy độ, thi nhân sững sờ. Anh khái quát vẻ đẹp Huế “chẳng nơi nào có được”: Khởi thủy từ một bến sông/ Hương Giang huyền thoại một dòng thơ ca...
Trong bản trường ca này có không ít những câu thơ tình. Nghệ sĩ vốn đã đa tình, Bảo Cường còn có máu thi sĩ nữa nên đa tình gấp đôi. Mới độ tuổi mười lăm, mười sáu nhìn mấy o thôn nữ xinh đẹp, anh đã chung chiêng bước tình. Đến tuổi tám mươi, mà anh vẫn còn Mơ về áo lụa thị thành Hà Đông. Chàng trai đa tài, đa tình Bảo Cường đã bao phen lặn lội: Đi tìm bóng, đi tìm hương/ Tìm người áo mỏng bên vườn ngát hoa. Khi gặp được người đẹp, anh thao thức làm thơ tặng: Cảm ơn em - một hồn thơ!/ Dắt anh đi giữa ngẩn ngơ cõi người.
Qua một chặng đường dài, trải qua nhiều biến cố, nghệ sĩ Bảo Cường đã chắt lọc cho bản thân nhiều bài học sâu sắc. Càng nhiều tuổi, anh càng hướng vào cõi tâm linh với những suy ngẫm, triết lý sâu sắc. Anh tự khuyên mình: Hôm nay vui! Mặc nắng mưa/ Ngày mai ai biết sớm trưa thế nào? Anh thấu hiểu cái lẽ sinh - tử: Tạm biệt kẻ ở người đi/ Trường đời mai mốt còn gì cho nhau. Bởi ý thức đời người là hữu hạn, là có đó rồi không đó nên anh rất buồn trước nhân tình thế thái, trước thói ghen tị, đua tranh danh lợi của người đời. Anh nói cho họ biết rằng: Trăm năm rồi cũng vùi xương/ Công danh bèo bọt hạt sương bên thềm.
Mặc dù đã xuất bản cả trăm đầu sách, đã viết cả ngàn câu thơ nhưng nghệ sĩ Bảo Cường vẫn khiêm tốn tự trách mình (mà cũng để trách người): Làm thơ ca tụng đâu đâu/ Cũng không viết nổi một câu thâm tình. Mở đầu bản trường ca, thay lời Tự bạch, nghệ sĩ Bảo Cường thổ lộ: “Thơ văn tôi viết thật lòng”. “Viết thật lòng” nghĩa là trong lòng như thế nào thì viết ra như thế ấy, không lộng ngôn, không xảo ngôn, không làm xiếc chữ nghĩa, cứ “có sao nói vậy”. Anh sáng tác bản trường ca này chủ yếu để “tự an ủi mình”, để “quên đi bao nhọc nhằn” trong cuộc sống thường nhật và chỉ mong tìm được những “tâm hồn đồng điệu”. Tuy vậy, Bảo Cường vẫn khao khát được nghe những lời chia sẻ thân tình, thẳng thắn, chân thật của bạn bè khi tiếp xúc với “công trình kể xiết mấy mươi” này: Hôm nay mưa thuận gió hòa/ Trình làng đọc thử xem ra thế nào?
Không ít người bước qua tuổi “xưa nay hiếm” vì nhiều lý do khác nhau đã phải “gác kiếm”. Bảo Cường còn viết được cả một bản trường ca có đến 18.500 câu, trong đó có một số câu hay là hạnh phúc lắm lắm. Xin chúc mừng anh!