Học viên nữ được hướng dẫn cách sử dụng máy vi tính trong lớp tin học dành cho người mù |
Bắt nhịp
Trần Thị Mỹ Lài từ nhỏ đã bị mù bẩm sinh. Tự ti vì không được nhìn thấy ánh sáng như bạn bè đồng trang lứa, thế nhưng một cánh cửa mới đã mở ra cho cô gái quê Thuận An khi Lài được tham gia học tập và sinh hoạt tại Trung tâm Giáo dục - Hướng nghiệp Trẻ em mù tỉnh. Đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng nhưng từ những dòng chữ nổi Braille, Mỹ Lài đã có thêm nhịp cầu để kết nối với cuộc sống. Ngoài thời gian học hòa nhập, cô gái nhỏ còn tham gia làm tăm tre, chổi đót, học nghề massage xoa bóp phục hồi sức khỏe. Mỹ Lài đã cùng đồng sự khai trương cơ sở massage để tiếp tục nâng cao tay nghề và tăng thu nhập.
Cũng có hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng khác với Mỹ Lài, chị Hồ Thị Bé (Quảng Thái, Quảng Điền) lại chọn nghề làm hương trầm để phát triển kinh tế. Chị Bé kể: “Tôi bị mù hai mắt từ khi còn nhỏ, cũng đã từng rất tự ti, tự hỏi vì sao mình lại không thể nhìn thấy ánh sáng. Nhưng từ khi trở thành hội viên HNM, sự giúp sức, động viên của gia đình, sự đồng hành của Hội và những người bạn cùng chung cảnh ngộ đã giúp tôi có thêm nghị lực. Không thể làm việc như bao người nhưng tôi có thể học nghề làm hương trầm phù hợp và kiếm sống bằng đôi tay của mình, chính điều này đã làm cho tôi vượt qua tự ti và tự tin hơn rất nhiều”.
Mỹ Lài và chị Hồ Thị Bé không phải là những nữ hội viên mù hiếm gặp. Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch HNM tỉnh, cho biết: “Từ lớp học chữ nổi Braille đầu tiên được tổ chức vào tháng 9/1998, đến nay đã có gần 300 phụ nữ mù tham gia các lớp học xóa mù chữ Braille và nâng cao. Với các lớp học này, hội viên nữ có thêm điều kiện để bắt nhịp với đời sống xã hội. Đây cũng là tiền đề để các chị tăng thêm hiểu biết, tiếp thu kiến thức tốt hơn trong các lớp dạy nghề và hoạt động tạo việc làm”.
Đa dạng hoạt động
Tính đến nay, đã có hàng trăm phụ nữ mù, khiếm thị tham gia các lớp dạy nghề tiểu thủ công, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ buôn bán nhỏ. Trong đó, gần 400 chị đều đã có công ăn việc làm ổn định tại các cơ sở sản xuất, hợp tác xã do Hội lập nên.
Song song với công tác dạy nghề và tạo việc làm cho phụ nữ mù, khiếm thị tại các cơ sở tập trung, công tác khuyến khích, động viên chị em phụ nữ phát triển kinh tế hộ gia đình luôn được HNM tỉnh chú trọng. Đại diện HNM tỉnh thông tin: “Thông qua nhiều kênh vay vốn khác nhau, hơn 4.000 lượt chị em phụ nữ đã được tạo điều kiện để tiếp cận với 18,5 tỷ đồng tiền vốn vay. Có vốn, nhiều chị đã đầu tư vào dịch vụ buôn bán nhỏ, sắm thêm nông cụ cho nghề trồng trọt, mua thêm con giống và thức ăn, mở rộng quy mô chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Từ nguồn vốn vay ưu đãi này, nhiều phụ nữ đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình ấm no, con cái được đến trường, chất lượng cuộc sống nâng lên rõ rệt”.
Với phụ nữ mù, khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, những năm qua, HNM tỉnh vận động xây mới và sửa chữa 136 căn nhà. Cùng với đó, hàng nghìn lượt chị em phụ nữ cũng đã được khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí. Đặc biệt, nhiều chị em phụ nữ và trẻ em mù đã được mổ mắt thay thủy tinh thể miễn phí, với tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 1 tỷ đồng.
Công tác giáo dục, phục hồi chức năng và hướng nghiệp cho trẻ em mù đã đạt được những thành quả vượt bậc khi Trung tâm Giáo dục – Hướng nghiệp Trẻ em mù ra đời. Ông Lê Văn Lộc cho biết thêm: “Đã có gần 200 em học sinh được xóa mù chữ Braille, học văn hóa và học hòa nhập tại các cấp học trên địa bàn. Đặc biệt, đã có 6 em học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề và 24 em tốt nghiệp đại học. Đó là minh chứng thuyết phục nhất cho hiệu quả của việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Giáo dục - Hướng nghiệp trẻ em mù, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em mù”.