IMF cho biết, tốc độ tăng trưởng mạnh hơn đang bị cản trở bởi tác động kéo dài của đại dịch, xung đột ở Ukraine, cùng với đó là lãi suất tăng... Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN/Vietnam+

Cụ thể, trong Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất, IMF giữ nguyên báo cáo tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu cho năm 2023 ở mức 3%, nhưng cắt giảm dự báo tăng trưởng cho năm 2024 xuống còn 2,9%, thấp hơn so với dự báo mà tổ chức đưa ra hồi tháng 7 là chạm mốc 3%.

Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas chia sẻ, nền kinh tế toàn cầu đã phục hồi hậu đại dịch COVID-19, song xung đột ở Ukraine vẫn còn và ảnh hưởng từ khủng hoảng năng lượng vào năm ngoái đã gây ra nhiều tác động. Xu hướng tăng trưởng khác nhau đồng nghĩa với việc tăng trưởng chung trong tương lai trung hạn là “bình thường, không đáng chú ý”.

Theo nhà kinh tế Pierre-Olivier Gourinchas, các dự báo thường chỉ đưa ra một “sự hạ cánh” nhẹ nhàng, nhưng IMF vẫn lo ngại về những khủng hoảng liên quan đến khủng hoảng tài sản của Trung Quốc, giá cả hàng hoá biến động, sự phân mảnh địa chính trị và gia tăng lạm phát.

Trong một diễn biến có liên quan, một rủi ro mới xuất hiện là xung đột giữa Israel và Palestine, xảy ra ngay khi các quan chức từ 190 quốc gia có cuộc gặp lại thành phố Marrakech (Maroc) để tham dự cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Song rủi ro này lại xuất hiện sau khi bản cập nhật triển vọng hàng quý của IMF đã hoàn thành và “khoá sổ” vào ngày 26/9.

Nhà kinh tế Gourinchas cho rằng, vẫn còn quá sớm để nhận xét sự leo thang xung đột này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu như thế nào.

IMF đang theo dõi tình hình và lưu ý rằng giá dầu đã tăng khoảng 4% trong những ngày gần đây, qua đó phản ánh lo ngại việc sản xuất hoặc vận chuyển dầu có thể bị gián đoạn.

Theo nghiên cứu của IMF, giá dầu tăng 10% sẽ làm sản lượng toàn cầu giảm khoảng 2% trong năm tiếp theo và đẩy lạm phát toàn cầu lên khoảng 0,4%.

IMF cho biết, tốc độ tăng trưởng mạnh hơn đang bị cản trở bởi tác động kéo dài của đại dịch, xung đột ở Ukraine, cùng với đó là lãi suất tăng, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và hỗ trợ tài chính bị thu hẹp.

Ghi nhận trong năm 2023, tổng sản lượng toàn cầu dự kiến chiếm 3,4%, tương đương khoảng 3,6 nghìn tỷ USD, thấp hơn dự báo trước dịch.

Nền kinh tế toàn cầu hiện đang cho thấy khả năng phục hồi. Nó không bị đánh gục bởi những cú sốc lớn mà nền kinh tế đã trải qua trong hai hoặc ba năm vừa rồi. Dù vậy, hoạt động của nền kinh tế toàn cầu cũng không phải là quá tốt. Các chuyên gia cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang đi “khá khập khiễng và chưa thực sự tăng tốc”.

Trong một cuộc họp báo, nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas dự đoán, triển vọng tăng trưởng trung hạn có thể sẽ “mù mịt hơn”, đặc biệt là đối với các nền kinh tế mới nổi, vốn phải đối mặt với tốc độ bắt kịp chậm hơn về mức sống và nhiều lo ngại về nợ nần.

Ngay cả vào năm 2028, IMF vẫn dự báo tăng trưởng toàn cầu chỉ ở mức 3,1%.

Nhà kinh tế Gourinchas cho biết: “Nền kinh tế có sự không chắc chắn, có sự phân mảnh về kinh tế địa lý, tăng trưởng năng suất thấp và nhân khẩu học thấp. Khi kết hợp tất cả những điều này lại với nhau, sự chậm lại trong tăng trưởng trung hạn sẽ xảy ra”.

Lạm phát cao “không thoải mái”

Lạm phát tiếp tục giảm trên toàn cầu do giá năng lượng giảm và giá lương thực ở mức thấp hơn. Nhưng dù vậy, lạm phát nhìn chung vẫn quá cao. Dự kiến tỷ lệ này sẽ giảm xuống mức trung bình hàng năm là 6,9% ghi nhận vào năm 2023, tức thấp hơn so với 8,7% của năm 2022. Đến năm 2024, lạm phát toàn cầu sẽ chạm mốc 5,8%.

IMF cho biết lạm phát cơ bản, không bao gồm lương thực và năng lượng sẽ giảm dần xuống còn 6,3% vào năm 2023 và 5,3% vào năm 2024 do thị trường lao động thắt chặt và lạm phát dịch vụ cao hơn dự kiến.

Nhà kinh tế Gourinchas cho biết: “Lạm phát vẫn cao một cách khó chịu. Các ngân hàng trung ương… phải tránh nới lỏng quá sớm”.

Cũng liên quan đến nền kinh tế toàn cầu, thị trường lao động sôi nổi và tỷ lệ thất nghiệp thấp ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến. Nhưng không có nhiều bằng chứng về vòng xoáy lạm phát tiền lương - giá cả.

IMF thông tin, sự không chắc chắn đã giảm bớt kể từ dự báo đưa ra hồi tháng 4, nhưng vẫn còn nhiều rủi ro tiêu cực hơn là rủi ro tăng trưởng cho năm 2024.

Hiện Quỹ IMF đang tư vấn cho các quốc gia xây dựng lại bộ đệm tài chính mỏng để chống lại những cú sốc trong tương lai, đồng thời lưu ý rằng sự suy giảm đáng kể về thâm hụt tài chính ở Mỹ là “đáng lo ngại”.

Tăng trưởng của các quốc gia

IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ thêm 0,3% lên 2,1% cho năm 2023 và 0,5% lên 1,5% cho năm 2024, với lý do đầu tư kinh doanh mạnh hơn và tiêu dùng ngày càng tăng. Điều đó khiến Mỹ trở thành nền kinh tế lớn duy nhất đánh bại các dự báo trước dịch.

Trong khi đó, Trung Quốc được dự báo sẽ chứng kiến tăng trưởng 5% vào năm 2023, nhưng chậm lại ở mức 4,2% vào năm 2024, thấp hơn so với dự báo trước đây do khủng hoảng bất động sản và nhu cầu bên ngoài yếu.

Nếu khủng hoảng bất động sản ở nước này ngày càng trầm trọng, tăng trưởng của Trung Quốc có thể bị giảm đến 1,6%, từ đó giảm 0,6% lên tăng trưởng toàn cầu. Trừ khi Trung Quốc có “hành động mạnh mẽ” để làm trong sạch lĩnh vực bất động sản, bằng không, vấn đề có thể trở nên trầm trọng hơn.

Đối với tăng trưởng khu vực đồng Euro, IMF cắt giảm ước tính từ 0,9% và 1,5% xuống còn 0,7% vào năm 2023 và 1,2% vào năm 2024.

Đan Lê (Lược dịch từ Reuters)