Ông Chuck Feeney (ngoài cùng bên phải) thăm Khoa Cấp cứu tim mạch can thiệp. |
Chiều 11/10, Bệnh viện Trung ương Huế đã có thư chia buồn gửi gia đình ông Chuck Feeney, tỷ phú Mỹ vừa qua đời– người quyên góp tài sản làm từ thiện, từ đó hỗ trợ xây dựng nhiều công trình ý nghĩa tại đơn vị.
Bức thư khẳng định bệnh viện không bao giờ quên những tình cảm to lớn của ông và những gì ông đã làm cho Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế. “Chúng tôi vô cùng ấn tượng trước sức mạnh, sự hào phóng và lòng tốt của ông ấy. Dù ông ấy đi xa song hình ảnh đáng kính của ông vẫn ở trong tâm trí đội ngũ cán bộ đơn vị”, GS.TS.BS Phạm Như Hiệp – Giám đốc BVTW Huế viết. Ban lãnh đạo bệnh viện cũng gửi lời chia buồn tới toàn thể thành viên trong gia đình ông Chuck Feeney và Quỹ từ thiện The Atlantic Philanthropies do chính ông sáng lập.
Ngược dòng thời gian, lần đầu tiên, ông Chuck Feeney đến thăm BVTW Huế năm 1998. Ông đi cùng đoàn công tác của tổ chức Đông Tây Hội Ngộ - Hoa Kỳ đến thăm Khoa Nhi và nói với bệnh viện rằng phái đoàn quan tâm đến việc giúp bệnh viện này chăm sóc những trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh.
Sau khi tham quan, nhận thấy nỗ lực giữ gìn cho một công trình kiến trúc hơn 50 năm tuổi đang xuống cấp và trong cuộc trao đổi ngắn gọn, tỷ phú Chuck Feeney hỏi bệnh viện cần gì? Ngay lập tức, câu trả lời của lãnh đạo đơn vị là mong muốn xây mới Khoa Nhi. Một cán bộ làm việc cùng phái đoàn hôm ấy kể: “Lúc đó, không ai biết ông ấy là tỷ phú đâu bởi ông làm việc lặng lẽ, kín tiếng. Khoa Nhi thời điểm này xuống cấp trầm trọng nên cần đầu tư nâng cấp. Ấy vậy mà một tuần sau có thư từ quỹ từ thiện của ông Chuck Feeney đồng ý tài trợ 1 triệu USD để xây dựng, 700 ngàn USD đầu tư trang thiết bị cho khoa Nhi. Ai cũng bất ngờ và mừng vui hết sức”.
Quỹ The Atlantic Philanthropies và ông Chuck Feeney (thứ hai hàng đầu bên phải) trong một lần trở lại thăm BVTW Huế |
Với sự nỗ lực và cam kết, BVTW Huế đã hoàn thành công trình Nhi khoa mới 4 tầng đúng theo kế hoạch. Đó là sự khởi đầu của một mối quan hệ 15 năm (2000 - 2015). Từ đó, những dự án lớn tiếp theo được tiếp nối triển khai với tổng trị giá trên 16 triệu USD như: Xây dựng Trung tâm Tim mạch 6 tầng với trang thiết bị hiện đại, Trung tâm Mắt và Trung tâm Đào tạo, Nâng cấp bể xử lý nước thải, các gói trang thiết bị y tế…
GS.TS.BS Phạm Như Hiệp chia sẻ: “Trong những năm tháng hợp tác và làm việc với tổ chức The Atlantic Philanthropies – Hoa Kỳ, chúng tôi đã thấy được ở ông, một nhân cách vĩ đại, với triết lý “Cho đi khi còn sống” (Giving while living). Triết lý này định hướng hoạt động của Atlantic trong hơn 30 năm qua và tiếp tục truyền cảm hứng cho các nhà từ thiện và các tổ chức từ thiện trên khắp thế giới”.
Tỷ phú Chuck Feeney đến với BVTW Huế vì một lý do, ông ấy muốn giúp đỡ khi khu vực miền Trung có nhiều bão lũ và hạn hán, ảnh hưởng của chiến tranh... “Ông Chuck biết chúng tôi gặp vô số khó khăn nhưng ông đã nhìn thấy được tiềm năng phát triển ở các thành phố miền Trung như Huế”, một cựu lãnh đạo BVTW Huế thông tin.
“Thênh thang tâm lượng cứu giúp đời”
Quỹ từ thiện Atlantic của ông Chuck Feeney tuyên bố đóng cửa năm 2020 sau khi đã cho đi hết 8 tỷ USD tài sản của ông, chỉ giữ lại 2 triệu USD để sống cùng vợ những ngày cuối đời. Rất nhiều công trình, dự án được quỹ từ thiện triển khai tại Việt Nam trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Tại Huế, ông để lại dấu ấn sâu sắc với BVTW Huế. Từ sự hỗ trợ của ông, BVTW Huế đã triển khai nhiều kỹ thuật cao, điều trị, kéo dài sự sống cho bệnh nhân. Trong đó phải kể đến những kỹ thuật đỉnh cao như ghép tế bào gốc, ghép tạng…
GS.TS.BS Bùi Đức Phú, nguyên Giám đốc BVTW Huế, người làm việc nhiều lần với tỷ phú Charles Chuck Feeney nhớ lại: “3 lần ông đến BVTW Huế thì 3 lần đều tài trợ công trình và thiết bị với tổng trị giá hơn 20 triệu USD. Thời điểm còn nhiều khó khăn, sự “đầu tư” ấy rất có ý nghĩa, giúp bệnh viện nâng cao chất lượng điều trị, bệnh nhân cũng được hưởng lợi”.
Hàng nghìn cán bộ y tế được học tập, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn tại Trung tâm Đào tạo do tỷ phú Chuck Feeney tài trợ xây dựng |
Năm 2015, nghe tin ông Charles Chuck Feeney ốm nặng, GS Bùi Đức Phú đến thăm căn hộ của gia đình ông tại Mỹ. Ông ngồi xe lăn, ít nói, mắt vẫn xanh màu nước biển sáng ngời. Thi thoảng, ông lau nước mắt khi nghe nhắc đến những hiệu quả các công trình thiết bị mà tỷ phú cùng quỹ hỗ trợ phục vụ cứu chữa bệnh nhân. GS Phú cảm nhận: “Chuck Feeney sống bình dị, giản đơn, giàu lòng thương người. Điều kỳ lạ là ông không nhận dù là lời cảm ơn, bản thân chỉ luôn muốn cho đi. Đặc biệt, người vợ tuyệt diệu của Chuck Feeney cũng cùng chung trái tim nhân hậu và luôn đồng hành chồng trên mọi nẻo đường thiện nguyện”.
“Sáng nay, khi báo chí đưa tin ông qua đời, tôi có nhắn tin cho vài người làm việc với ông. Xin được thắp nén tâm nhang, nguyện cầu cho một nhân cách vĩ đại, tuy thân xác ông rời bỏ cõi tạm nhưng tên ông, cuộc đời và lòng nhân ái Charles Chuck Feeney luôn sống mãi trong kiếp nhân sinh này”, GS Phú nói với Thừa Thiên Huế Online
Sự ra đi của ông Chuck Feeney không chỉ là mất mát lớn đối với tổ chức The Atlantic Philanthropies và tất cả những người thân mà còn là mất mát của những người nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ ông. Tri ân đóng góp và nghĩa cử cao đẹp của ông với BVTW Huế, đơn vị từng tặng ông bức trướng với dòng chữ: “Dõng mãnh dấn thân khắp mọi nẻo/ Thênh thang tâm lượng cứu giúp đời.”
Tầm nhìn, thiện tâm hào phóng của Chuck Feeney đã cải thiện cuộc sống của hàng triệu con người tại Việt Nam và trên khắp thế giới. “Ban lãnh đạo cùng toàn thể nhân viên BVTW Huế xin tri ân và trân quý những món quà mà ông trao tặng, giữ gìn và sử dụng tốt nhất cho người bệnh để nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân tại bệnh viện”, Giám đốc BVTW Huế khẳng định.