Kiểm tra lưới điện trước mùa mưa bão

Điện lực A Lưới, Nam Đông hiện đang quản lý gần 700km đường dây trung thế và hạ thế. Vào mùa mưa bão, tuy ít chịu cảnh ngập lụt nhưng bên cạnh những điểm cạnh sông, suối luôn đối diện nguy cơ sạt lở thì âu lo của cán bộ, công nhân 2 điện lực này là chuyện cây xanh, nhất là keo tràm của bà con bị gió, lốc làm đổ ngã, vướng vào đường dây, gây sự cố mất điện.

Vào mùa mưa bão, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc là những địa bàn bị ảnh hưởng rất nặng. Nếu Phú Lộc là nơi có nhiều tuyến đường dây, trạm biến áp nằm ở vùng đồi núi cao, thấp trũng, vùng nhiễm mặn và vượt qua nhiều rừng keo tràm nên thường xuyên chịu ảnh hưởng các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, thì 3 địa phương còn lại thường chịu nhiều tác động của các đợt lốc xoáy và lũ ống gây ngập lụt nhiều ngày.

Trong khi đó, dù không phải vùng sâu, vùng xa, nhưng với một số yếu tố khách quan, như: địa hình thấp, nhiều cây xanh…, khu vực Bắc sông Hương (TP. Huế) cũng thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng mỗi khi mưa bão đổ bộ.

 Khôi phục cấp điện trở lại nhanh nhất khi có sự cố do thiên tai

Trước việc luôn phải đối diện nguy cơ sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra, thời gian qua, ngoài việc thường xuyên kiểm tra các điểm xung yếu trên lưới điện, nhất là những điểm cạnh sông, suối, khu vực có nguy cơ sạt lở…, Điện lực A Lưới và Nam Đông luôn tích cực hỗ trợ người dân khai thác keo, tràm dưới khu vực đường dây trung thế; chằng néo keo, tràm cách xa vị trí đường dây điện, qua đó, hạn chế tối đa sự cố khi bão cây đổ vào đường dây.

Còn với những địa bàn: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, đến thời điểm hiện tại, điện lực nơi đây cơ bản đã phát quang hành lang tuyến, kiểm tra các vị trí xung yếu; bảo dưỡng hệ thống điện, gia cố móng, tăng cường, bổ sung dây néo, chống sạt lở...; chuẩn bị sẵn trang thiết bị vật tư, nhân lực cùng tinh thần ứng trực 24/24h để xử lý và khắc phục các sự cố khi mưa bão đến nhằm sớm cấp điện cho khách hàng.

Với Điện lực Bắc sông Hương, ngoài những phương án thường kỳ, thời gian qua, đơn vị này đã có thêm giải pháp mới, đem lại hiệu quả hơn trong việc hạn chế thấp nhất sự cố điện do thiên tai gây ra.

“Từ năm 2022 đến nay, đơn vị đã tăng cường công tác phối hợp, cụ thể là với Trung tâm Công viên cây xanh Huế để chặt tỉa những cây trong hành lang an toàn lưới điện. Điều này góp phần đảm bảo hành lang an toàn lưới điện và mỹ quan đô thị”, ông Văn Hồ Hoài Nam – Phó Giám đốc Điện lực Bắc sông Hương cho hay.

Ứng dụng khoa học công nghệ

Lãnh đạo PC TTH thông tin, với việc đang quản lý hơn 1.902km đường dây trung thế và hơn 3.460 km đường dây hạ thế, bước vào mùa mưa bão, PCTTH đã tổ chức các đoàn kiểm tra những vị trí xung yếu, tuyến đường dây vượt sông, nhất là các khu vực dễ bị sạt lở vùng ven sông, suối, những khu vực bị ngập sâu và vùng có khả năng bị xói lở, như: thị trấn Khe Tre, sông Thượng Nhật (Nam Đông); khu vực đèo Phú Gia (Phú Lộc); sông Tả Trạch đoạn qua xã Thủy Bằng (TP. Huế); sông Bồ đoạn qua xã Phong An, thôn Cổ Bi xã Phong Sơn (Phong Điền); P. Hương Vân, P. Hương Văn (Hương Trà)…

Bên cạnh đã hoàn thành các đợt diễn tập PCTT & TKCN, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi thiên tai xảy ra với phương châm “Bốn tại chỗ, ba sẵn sàng” từ hồi tháng 5, đến nay, PCTTH đã xây dựng phương thức vận hành khi xảy ra sự cố thiên tai và phương án sa thải phụ tải khi có lũ lớn, đảm bảo cung cấp điện cho các cơ quan trọng yếu như Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND TP. Huế, bệnh viện, nhà máy nước, cơ quan phát thanh, truyền hình… cũng như lập phương thức đảm bảo cung cấp điện, nguồn dự phòng cho các hồ chứa và đập thủy điện, trạm thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Theo lãnh đạo PC TTH, một mặt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra nguồn, lưới điện và có phương án xử lý, khắc phục; chuẩn bị phương án tái lập ca trực các trạm biến áp 110kV trên địa bàn; nhận định khả năng các khu vực có thể chia cắt do sạt lở, ngập lụt; kiểm tra năng lực vận hành của các trạm biến áp 110kV không người trực, hệ thống truyền thông SCADA, các thiết bị điều khiển xa… Mặt khác, PC TTH cũng đã yêu cầu các đơn vị thi công khẩn trương thi công đẩy nhanh tiến độ các công trình cải tạo lưới điện; tuyên truyền, khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm các quy sử dụng điện an toàn.

“Với ưu thế từ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong tự động hóa, điều khiển từ xa hệ thống điện, PC TTH luôn đảm bảo trạng thái hoạt động tin cậy của hệ thống từ Trung tâm điều khiển cho đến các trạm nguồn, các thiết bị đóng cắt, nhằm tối ưu các phương thức cấp điện khi xảy ra thiên tai, cũng như khôi phục cấp điện trở lại nhanh nhất khi có sự cố”, lãnh đạo PC TTH cho hay.

Khôi phục cấp điện trở lại cho hơn 20 ngàn khách hàng

Mưa lớn, dông sét vào đêm 10/10 đã khiến hơn 20 ngàn hộ dân mất điện. Trong đó, ảnh hưởng nặng nhất là TX. Hương Trà và huyện Phong Điền.

Đáng chú ý, ở khu vực ngã tư Hòa Mỹ (xuất tuyến 471 Đồng Lâm), do sét đánh ảnh hưởng đến lưới điện đã xảy ra một số sự cố như vỡ sứ khiến hơn 10 ngàn khách hàng ở khu vực thị trấn Phong Điền, các xã: Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn, Phong An và KCN Phong Điền mất điện.

Tương tự, tại TX. Hương Trà, sự cố lưới điện do dông sét đã khiến hơn 9.500 khách hàng mất điện. Riêng ở khu vực Bắc sông Hương, tuy không bị ảnh hưởng bởi giông sét nhưng mưa to, cây xanh va đập vào lưới điện hạ thế khiến một số khách hàng ở khu vực Hương Sơ, nội thành bị ảnh hưởng.

Theo Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, các điện lực đã huy động toàn bộ nhân lực, vật lực bắt tay khắc phục sự cố từ rạng sáng 11/10, đến chiều 11/10 khôi phục cấp điện trở lại.


Bài, ảnh: ĐĂNG HUYỀN