Công tác kêu gọi tàu thuyền tránh trú an toàn ở Phú Thuận (Phú Vang) luôn được chú trọng

Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, các đợt không khí lạnh đầu mùa ở phía Bắc di chuyển xuống phía Nam nên khả năng cao trong 10 ngày tới (từ ngày 10 đến ngày 20/10) tại tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ xuất hiện các đợt mưa và mưa lớn với xác suất trên 70%. Tổng lượng mưa trong 10 ngày tới phổ biến 300-500mm, có nơi trên 500mm. Cần đề phòng giông, lốc, gió giật mạnh trên biển, sạt lở đất ở vùng núi.

Đối diện với thời tiết cực đoan, các địa phương vùng biển, miền núi đang chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, ứng phó thiên tai.

Là xã miền núi nằm ở vùng có nhiều sông suối và đồi núi chia cắt, có nguy cơ lũ quét, sạt lỡ đất, lũ lụt, bão xảy ra sẽ gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản của người dân, hàng năm công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn ở xã Quảng Nhâm (huyện A Lưới) luôn đặt lên hàng đầu.

Ông Hồ Trọng Chăn, Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm cho biết, hàng năm cứ đến tầm tháng 9-11, nhiều cụm dân cư trên địa bàn thường chịu ảnh hưởng trực tiếp các loại hình thiên tai như ngập lụt, mưa bão. Xã tiến hành rà soát nhà ở có nguy cơ mất an toàn trước thiên tai (toàn xã có 181 nhà với 723 nhân khẩu) nhằm chủ động phương án di dời đến các điểm an toàn hoặc xen ghép trong dân.

 Xã Quảng Nhâm (A Lưới) địa hình chia cắt, đối diện nguy cơ sạt trượt, ngập lụt

Để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra, đặc biệt là bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, mưa lũ, sạt lở đất, chính quyền xác định từng vùng trọng điểm nhằm chủ động công tác ứng phó và triển khai lực lượng khi có sự cố thiên tai và làm tốt công tác “5 tại chỗ”.

Hiện trên địa bàn, sạt lở đất thường xuất hiện ở cụm dân cư A Tác thôn Pất Đuh, thôn Âr Bả Nhâm, thôn A Lưới; đất ruộng bị bồi lấp tại thôn A Hưa Pa E và Âr Kêu Nhâm; ngập lụt thôn Pi Ây 1, 2. Ngoài ra, tuyến đường liên xã hay ngập lụt và sạt lở tại Tỉnh lộ 20 đi Hồng Bắc; đường công vụ đi đập Thủy điện A Lưới và khu vực thường xuyên bị chia cắt tại cụm 1 thôn A Lưới, thôn A Hươr Pa E và thôn Âr Bả Nhâm.

Trước diễn biến của thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã thông báo cho các thôn và thành viên biết về kế hoạch sơ tán, di dời dân. Yêu cầu cần chuẩn bị trước cơ sở vật chất. Các trường học đóng trên địa bàn xã mở cửa, bố trí cán bộ phối hợp với chính quyền địa phương đón người dân vào ở trú tránh bão, lũ một cách an toàn.

Người dân trước khi di dời cần cất giữ hàng hóa, lương thực thực phẩm, di dời gia súc lên chỗ an toàn. Khẩn trương di dời người, chỉ mang theo những thứ hàng hóa nhẹ, dễ di chuyển. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã phân công cán bộ, thành viên ban chỉ huy cần chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, công tác hậu cần, thuốc dự trữ, lương thực.. cùng ăn, cùng ở và quản lý người dân đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tuyệt đối, bảo vệ tài sản Nhà nước.

Tương tự, Phú Thuận (Phú Vang) là một xã ven biển có chiều dài bờ biển là 5,2km, nơi rộng nhất từ phá Tam Giang ra biển là 800m, nơi hẹp nhất là 300m, phía Đông Bắc là Biển Đông, phía Tây Nam là phá Tam Giang. Mật độ dân số sống dọc theo phá Tam Giang và bờ biển khá đông.

Những năm gần đây tình trạng xâm thực biển ngày càng lớn, hàng năm biển ăn sâu vào đất liền từ 3-5m. Từ 2020 đến nay, tình hình thiên tai bão lụt diễn biến hết sức phức tạp, đe dọa tính mạng tài sản của Nhân dân, nhất là sạt lở toàn tuyến ven biển của xã. Tàu, thuyền và diện tích nuôi trồng thủy sản lớn (63ha) nên khi có bão, lụt xảy ra khó tìm nơi trú ẩn, vận chuyển người và tài sản.

Phú Thuận chú trọng công tác ứng phó, cứu hộ cứu nạn ở các vùng xung yếu trên địa bàn. Theo đó, bố trí lực lượng đề phòng nước biển dâng cao, đặc biệt chú ý những nơi có nguy cơ sạt lở như ven phá, ven biển như thôn Tân An, Xuân an, An Dương 1 và vùng thấp trũng ở Cồn Sơn, thôn Tân An, khu tái định cư thôn Xuân An để có phương án di dời dân đến nơi an toàn. UBND xã, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã phân công lực lượng dân quân, công an viên, bố trí phương tiện sẵn sàng ứng cứu ở các vùng xung yếu.

Mới đây, UBND tỉnh đã có Công điện khẩn về việc tập trung phòng, ngừa, chủ động thực hiện các phương án ứng phó thiên tai năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học… ven sông suối, ven biển, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn.

Kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu. Chú ý các khu vực đồi núi, khu vực có nguy cơ sạt lở cao như A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc. Hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời.

Sở Xây dựng chủ trì tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các công trình nhà cao tầng, cần cẩu vận hành đang thi công xây dựng. Hướng dẫn các địa phương kiểm tra các trạm BTS. Kiểm tra và đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không bảo đảm an toàn hoặc có nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ.

Sở NN&PTNT chỉ đạo các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, nhất là các hồ đập xung yếu, đảm bảo an toàn ao nuôi thủy sản, lồng bè, khu neo đậu tránh trú bão, các cơ sở chăn nuôi. Phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thực hiện tốt công tác thường trực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ ngư dân trên biển, đầm phá, kêu gọi tàu thuyền vào bờ, cấm tàu thuyền, ngư dân ra khơi khi có thời tiết xấu, mưa bão, áp thấp nhiệt đới.

UBND tỉnh yêu cầu các chủ hồ đập khẩn trương hoàn thành công tác duy tu, bảo dưỡng, tu sửa, gia cố công trình. Tổ chức dự trữ vật tư, trang thiết bị phương tiện, nhân lực, hậu cần tại chỗ đảm bảo tuyệt đối an toàn hồ đập trong mọi tình huống. Chủ hồ chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn đến sự cố công trình, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của Nhân dân.


Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN