Người lao động Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế thao tác các thông số kỹ thuật bằng công nghệ số |
Doanh nghiệp chủ động
Văn phòng điện tử E- Office được Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) áp dụng hơn một năm nay. Văn phòng điện tử HueWACO E- Office tích hợp tất các tính năng, hỗ trợ tối đa giúp DN xử lý, thực hiện các công việc, trao đổi thông tin, điều hành tác nghiệp, quản lý văn bản, báo cáo từng hạng mục, tình trạng xử lý công việc của từng nhân viên. Văn phòng điện tử này giúp lãnh đạo công ty đưa ra chiến lược, kế hoạch điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa DN, góp phần căn bản để chuyển đổi mô hình quản trị từ truyền thống sang mô hình số.
Ông Dương Quý Dương, Tổng Giám đốc HueWACO cho biết: Chuyển đổi số (CĐS) tác động hữu hiệu đến quá trình quản trị, điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), giúp DN phát triển nhanh và bền vững. HueWACO đã triển khai công tác số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) mạnh mẽ trong toàn bộ quy trình, hoạt động của công ty. Từ khâu sản xuất, xử lý nước, truyền tải, phân phối, dịch vụ cấp nước đến khách hàng.
Gần đây, HueWACO đẩy mạnh ứng dụng CĐS phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của công ty. “Việc ứng dụng CNTT, tự động hóa và triển khai gần như trên tất cả các hoạt động SXKD đã tác động tích cực đến công tác quản lý, vận hành SXKD và giúp công ty xây dựng được kho cơ sở dữ liệu đồng bộ, tối ưu hóa toàn bộ quy trình vận hành, hoạt động của HueWACO trên môi trường số”, ông Dương Quý Dương nói.
Tại Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (TTHPC), dự án nâng cấp hệ thống bảo vệ điều khiển trạm 110kV Phú Bài (TX. Hương Thủy) được đưa vào sử dụng năm vừa qua là một trong những điểm nhấn thể hiện rõ nét kết quả thực hiện CĐS. Đây là trạm biến áp (TBA) đầu tiên trên địa bàn tỉnh, và là 1 trong 2 TBA 110kV đầu tiên của khu vực miền Trung - Tây Nguyên ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào hệ thống điều khiển bảo vệ (ĐKBV). Theo ông Nguyễn Đại Phúc, Giám đốc TTHPC, TBA kỹ thuật số là một công nghệ tiên tiến, được nhiều nước trên thế giới áp dụng trong thời gian gần đây.
Để thực hiện thiết kế hệ thống, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật vật tư thiết bị, đáp ứng yêu cầu công nghệ, TTHPC đã tổ chức nhiều hội thảo về TBA kỹ thuật số với các đối tác công nghệ hàng đầu trên thế giới, như Siemens, Hitachi ABB, GE…, từ đó nắm bắt công nghệ để chủ động đưa ra giải pháp nâng cấp hệ thống ĐKBV trạm theo công nghệ kỹ thuật số, thực hiện công tác thiết kế hệ và xây dựng cấu hình thiết bị.
Ngoài ra, CĐS còn được công ty triển khai áp dụng trên nhiều lĩnh vực SXKD khác. Hiện toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh và dịch vụ khách hàng của đơn vị đã được thực hiện trên môi trường số, các dịch vụ trực tuyến được hoàn thiện và ứng dụng mạnh mẽ như số hóa toàn bộ dữ liệu khách hàng, ghi đọc chỉ số công tơ từ xa, thanh tóan trực tuyến... Công ty Điện lực tỉnh là đơn vị đầu tiên trong Tổng công ty Điện lực miền Trung hoàn thành kết nối liên thông văn bản với chính quyền địa phương nơi các công ty điện lực hoạt động.
Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 6.000 DN đang hoạt động. Nhìn chung, các DN đều có những nhìn nhận tích cực về tầm quan trọng về CĐS trong SXKD. Một số ngành nghề đang có những bước CĐS nhanh, mạnh mẽ như lĩnh vực tài chính, thương mại điện tử, du lịch. Trong khi đó, các lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất chế biến có mức độ sẵn sàng CĐS còn thấp, do chưa nhận thức và tìm ra sự gắn kết giữa lợi ích của CĐS với mục tiêu kinh doanh.
Phòng điều khiển SCADA của Nhà máy nước Quảng Tế vận hành nhà máy hoạt động |
Đồng hành, hỗ trợ chuyển đổi số
Thúc đẩy, đồng hành, hỗ trợ DN trong CĐS, thời gian qua VNPT tỉnh đã đầu tư cung cấp hạ tầng mạng viễn thông băng rộng đồng bộ, rộng khắp trên 2 lĩnh vực hạ tầng mạng cáp quang đến tận nhà dân và hạ tầng mạng di động với công nghệ 3G, 4G, đáp ứng nhu cầu của cơ quan, DN, khu công nghiệp và khu dân cư; phối hợp triển khai thành công mạng truyền số liệu chuyên dùng kết nối các cơ quan, chính quyền và internet tập trung. Ngoài ra, VNPT tỉnh đã có hệ sinh thái CĐS cho chính quyền, DN và người dân với đầy đủ trục liên thông văn bản, dịch vụ công trực tuyến, có đầy đủ hạ tầng số, các cơ sở lưu trữ dữ liệu, phân tích dữ liệu tập trung giúp người dân, DN để tiết kiệm thời gian, kinh phí.
Xuyên suốt trong quá trình DN thực hiện CĐS, các đơn vị liên quan, như Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh luôn bám sát đồng hành, hỗ trợ. Ngoài những chính sách vĩ mô, vi mô về tài chính, thuế, tỉnh còn có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực khác cho các DN trong CĐS. Chẳng hạn, với DN mới thành lập được nhận gói hỗ trợ chữ ký số, hóa đơn điện tử 3 triệu đồng, DN siêu nhỏ chuyển đổi từ hộ kinh doanh nhận hỗ trợ kinh phí thuê kế tóan trong vòng 2 năm với 24 triệu đồng, DN nhỏ, siêu nhỏ được hỗ trợ lãi vay 30 triệu đồng trong vòng 3 năm khi có phương án, dự án sản xuất các sản phẩm đạt giải tại các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do UBND tỉnh tổ chức hàng năm.
Có hơn 800 lượt DN được tham dự các lớp truyền cảm hứng về CĐS, đào tạo cơ bản về thương mại điện tử; có 4 khóa đào tạo kỹ năng chuyên sâu về CĐS cho hơn 200 DN. Đến nay đã có hơn 150 DN tham gia và tạo thành group (nhóm) “Doanh nghiệp chuyển đổi số” để cùng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cùng nhau giải đáp thắc mắc liên quan kinh tế số, CĐS. Từ những tác động tích cực của CĐS, giúp các DN, hợp tác xã tăng được doanh thu hàng năm từ 20% đến 30% so với mô hình kinh doanh truyền thống.
Tiếp tục đồng hành cùng DN, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ CĐS cho DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, hợp tác xã ở tỉnh đến năm 2025. Trong đó, nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp đồng hành gồm: Hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực CĐS; hỗ trợ giải pháp CĐS; tăng cường công tác truyền thông thông qua các nền tảng số; đánh giá năng lực CĐS cho các nhóm DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh.