Niềm vui của thầy trò Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế trong đêm trao giải

Hướng dẫn bằng tâm hồn

Từ thành tích đạt được của giảng viên và sinh viên qua nhiều cuộc thi và qua đánh giá của các đoàn kiểm định độc lập, Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế là một trong những cơ sở đào tạo du lịch được xếp vào hàng top ten của Việt Nam.

Trong trang phục leo núi khỏe khoắn, giọng nói đầy cảm xúc, Nguyễn Khánh Giang (sinh viên năm 2, Khoa Lữ hành hướng dẫn) tự tin giới thiệu với mọi người về vẻ đẹp của Bạch Mã: “Kính thưa quý khách, người ta có câu: “Lên non gặp người hùng Bạch Mã, xuống biển gặp người đẹp Lăng Cô”. Hôm nay, hướng dẫn viên xin được phép nói rằng: Bạch Mã như một nàng công chúa đang ngủ say trong rừng, cần được chúng ta đánh thức, nhưng không phải bằng nụ hôn của một chàng hoàng tử đâu thưa quý khách, mà là sự quan tâm và đầu tư đúng mức của các cấp, ban ngành và cả của quý khách khi chúng ta chính là sứ giả quảng bá vẻ đẹp Bạch Mã đến với mọi người”. Với phong thái của một hướng dẫn viên (HDV) chuyên nghiệp, nếu không nghe Giang nói trong không gian của hội thi, có lẽ không ai nghĩ em mới là sinh viên năm thứ 2.  
Trò chuyện với chúng tôi, Giang chia sẻ, bây giờ em vẫn còn nguyên cảm xúc… rợn da gà khi tên mình được xướng lên trong tràng pháo tay rần rần của cổ động viên. Giang cười hiền: “Lúc bước ra sân khấu, em đã thả hồn vào bài thuyết minh để truyền đạt đến người nghe những gì mình cảm nhận được về Bạch Mã, chứ không phải là bài nói được học thuộc lòng. Cố gắng hết mình nhưng em không nghĩ mình sẽ đoạt giải, thế nên, đến bây giờ em vẫn muốn nhảy lên vì vui sướng, hạnh phúc khi mình đoạt HCV”.
Với hình ảnh dịu dàng của một HDV trong tà áo dài tím Huế, chiếc nón bài thơ, Nguyễn Thị Trang (sinh viên năm 3, Khoa Lữ hành hướng dẫn) đã chinh phục Ban giám khảo khi giới thiệu về hình ảnh đất nước Việt Nam qua Cửu Đỉnh - một kiệt tác nghệ thuật bằng đồng được công nhận là báu vật của quốc gia. Từ góc nhìn qua Cửu Đỉnh, Trang đã đưa du khách đi tham quan bao danh lam thắng cảnh của đất nước. Từ đó, em liên hệ tới chủ quyền biển đảo. Trang giới thiệu: “Bài thuyết minh của em không chỉ giới thiệu hình ảnh của đất nước Việt Nam mà còn nói về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc được thể hiện trên Cửu Đỉnh. Dưới thời vua Minh Mạng, chủ quyền biển đảo của chúng ta đã được xác định qua việc đưa các vùng biển của quốc gia lên Cửu Đỉnh”.
Đó là thông điệp hùng hồn được cô gái Huế nhỏ nhắn gửi đến hội thi qua bài thuyết minh của mình. Lựa chọn một góc nhìn nhỏ nhưng có tính khái quát, bao trùm, đề tài của Trang được đánh giá cao về nội dung, ý tưởng và đã đoạt HCB.
Thành quả của quá trình
Vượt qua nhiều thí sinh đến từ các trường đại học, cao đẳng trong cả nước để thắng lớn tại cuộc thi, đó không chỉ là kết quả của hai tháng chuẩn bị, bồi dưỡng, rèn luyện mà của cả quá trình dạy và học của sinh viên, giảng viên Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế. Ba sinh viên dự thi nhưng có đến hai em đạt giải, điều đó đã phần nào nói lên chất lượng cũng như sự nỗ lực của thầy trò ngôi trường này. Để chọn ra những gương mặt sáng giá tham gia hội thi tài năng trẻ toàn quốc trong lĩnh vực du lịch, trường đã tổ chức các cuộc sát hạch để sinh viên thể hiện khả năng của mình.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Hoài Sơn, Phó Trưởng khoa Lữ hành hướng dẫn, người hướng dẫn trực tiếp cho Nguyễn Khánh Giang thì để bài thuyết minh hay, hấp dẫn, người thể hiện phải có cảm xúc thật sự. Do vậy, nhà trường đã tạo điều kiện cho hai cô trò tham quan Bạch Mã. “Không chỉ nghe người ta thuyết minh, Giang còn mạnh dạn xin làm hướng dẫn cho đoàn. Được cọ sát thực tế, cô trò phát hiện ra những lỗi trong bài thuyết minh, như: cái mình nói thì khách không muốn nghe; cái mình không nói, khách lại muốn nghe. Từ đó nắm bắt tâm lý của khách để điều chỉnh, cung cấp những thông tin phù hợp nhất”, cô Sơn cho biết thêm.
Sau khi trải nghiệm tour, Khánh Giang hiểu và yêu Bạch Mã, thực sự cảm nhận được giá trị của điểm đến này cả về lịch sử và cảnh quan thiên nhiên. Giang cho biết: “Nhờ chuyến trải nghiệm ấy, em đã đưa những gì mình cảm nhận được vào bài thuyết minh. Cảm xúc thấm vào lòng và em đã giới thiệu bằng cả tâm hồn, truyền cảm xúc cho người nghe. 
Tự cho mình là người thiếu tự tin, Nguyễn Thị Trang cho rằng, kết quả em đạt được không chỉ là nỗ lực của riêng em mà còn nhờ sự đồng hành của thầy cô, bạn bè: “Khi cô giáo thông báo em được chọn đại diện cho trường đi thi, em rất hồi hộp, lo lắng. Từ sự động viên của cô giáo, đồng hành của bạn bè, em đã tập luyện chăm chỉ, nghiêm túc. Nhiều lúc đến nhà cô giáo sửa bài thuyết minh, luyện nói đến khuya mới về nhưng không thấy mệt”. Trang cho biết, mỗi thí sinh được trình bày bài thuyết minh trong 7 phút nên em phải sửa đến 10 lần, chắt lọc từng câu từ để giới thiệu được sự độc đáo, đặc sắc của điểm đến một cách súc tích, đầy đủ, ý nghĩa.
Chia sẻ về những gì sinh viên của mình đạt được, ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế cho rằng: “Thành công này là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, từ khâu chọn đề tài phù hợp với chủ đề “Tổ quốc và biển đảo” của cuộc thi đến sự chắt lọc hình ảnh, gọt giũa từng câu, ý trong bài giới thiệu, cùng khả năng của thí sinh đã thể hiện được sự tinh túy của nghề hướng dẫn qua phần thuyết minh và khả năng hoạt náo”. 
Minh Hiền