Cây bàng (Terminalia catappa), cây sau sau (Liquidambar formosana) ở Huế đâu phải năm nào cũng có lá chuyển màu đỏ rực, cả cây trước khi trút hết xuống đường, có chăng chỉ là vài ba chục lá đỏ xen lẫn với lá xanh, rồi rụng dần đi trước khi một số lá xanh khác chuyển màu. Để những ngày xuân chúng có thể nảy lộc rộ cho cả vòm tán thắm tươi màu đỏ ửng thì cây cũng phải trải qua một chặng ngày dài có nhiệt độ thấp.


Sau sau

Tôi còn nhớ mãi như in, Tết vừa qua, khoảng từ mồng năm đến mồng bảy, những cây sau sau ở vỉa hè đường Lê Lợi trút lá già, nhiều cành mang lộc non đỏ rực. Một tấm hình đặc tả chuyển lên blog cá nhân đã khiến nhiều người tưởng lá phong Hàn Quốc hay Nhật Bản. Cũng trong thời gian đó, cây bàng ở ngã ba đường Trần Phú – Đoàn Hữu Trưng được phủ bởi một vòm lá rực đỏ rất bắt mắt. Mưng, còn được gọi là lộc vừng (Barringtonia acutangula) là loài không mấy xa lạ với người dân xứ Huế, ngoài việc cho hoa đẹp, nó còn có khả năng trổ màu đỏ thắm khi trút lá để thay bằng hằng loạt lộc non. Do vậy, từ ngàn xưa, người Việt đã biết ý nghĩa của việc chọn cây mưng làm cây thứ hai trong bộ tam hạp (Phúc Lộc Thọ).

Bàng
Còn nhiều nữa, biết bao cây nếu không nảy lộc đỏ thắm, vàng rực thì cũng nhuốm màu xanh lá mạ sáng tươi. Đó là quy luật của tự nhiên. Bất kỳ loài thực vật nào cũng vậy, khi lá và hoa có khả năng trổ màu nhờ chứa nhiều sắc lạp thì ở trong điều kiện khí hậu có nhiệt độ càng thấp, màu của nó càng thể hiện rõ nét. Chính vì điều đó, ở vùng núi cao hay ở những vĩ tuyến càng về phía Bắc cực càng có nhiều cây cỏ đa dạng sắc màu, các loài phong ở Nhật Bản, Hàn Quốc... là ví dụ điển hình, đem trồng ở vùng nhiệt đới làm sao khoe sắc như ở bản xứ được

Lộc mưng
Hiện nay, Trung tâm Công viên Cây xanh Huế (TTCVCXH) đang sở hữu hằng trăm chậu cây cảnh mang tên hồng lộc, vì lộc non của nó bao giờ cũng có màu đỏ thắm, màu đỏ vỏ cua hay màu vàng cam. Trong điều kiện thời tiết năm nay, nhiệt độ thấp kéo dài, hy vọng số lộc non sẽ nhiều gấp bội khi những ngày xuân nắng ấm trở về. Lúc đó, cây càng rực đỏ hấp dẫn.
Khi tôi đang viết bài này thì được anh Lê Văn Ty, Trưởng phòng Kế hoạch của TTCVCX cho biết, đang chuyển cây về để bài trí nhằm tạo thêm mảng màu trang trí cho Hội hoa xuân Thương Bạc. Như thế, dịp Tết Tân Mão sắp tới, người dân xứ Huế sẽ có dịp chiêm ngưỡng cây này khi du xuân. Đây là một loài cây bụi thường xanh, cành nhánh nhiều, mọc hơi chếch, tạo thành vòm tán hình trứng hay bầu dục. Từ lâu, cây được tìm thấy ở vùng núi cao Thái Lan với tên gọi là Kelat hay Jambu, được dẫn giống làm cây cảnh khá phổ biến ở Thái lan, Singapore. Nó là một loài trong chi trâm (Syzygium) thuộc họ sim (Myrtaceae) với tên khoa học là Syzygium campanulatum.

Hồng lộc
Chúng tôi chưa có thông tin chính xác về nguồn gốc và thời gian xuất hiện cây hồng lộc trong làng cây cảnh Việt Nam. Có nguồn tin cho rằng, nó được nhập từ nước ngoài về, nhưng cũng có nguồn tin không chính thức cho rằng, nguồn giống được lấy từ vùng rừng núi Tây Nguyên. Điều mà chúng tôi biết được là các tỉnh thành miền Trung, trong đó có TP Huế, phải vào phía Nam để mua giống. Hằng trăm chậu hồng lộc do TTCVCXH sở hữu nói trên đã được dẫn giống từ TP Hồ Chí Minh hơn ba năm về trước. Do dễ nhân giống dinh dưỡng (giâm cành), vườn ươm của TTCVCXH đã nhân số lượng ngày càng nhiều, trước mắt đủ phục vụ công tác làm đẹp cảnh quan các công trình công cộng trong những dịp Tết và lễ hội khác.

Trâm
Ở vùng rừng núi A Lưới, Nam Đông, Bạch Mã cũng có một số loài cây gỗ và cây bụi khi xuân về nảy lộc thắm tươi như hồng lộc, có thể kể là, chò đen (Parashorea stellata), lôi khoai, còn được gọi là lá thắm hay lim lửa (Gymnocladus angustifolius), kiền (Hopea pierrei), lim xanh (Erythrophoeum fordii), sòi tía (Sapium discolor), trâm kiền (Syzygium syzygioides)... Trong số đó đã có vài loài được đưa trồng ở TP Huế như chò đen ở khuôn viên văn phòng UBND tỉnh, lôi khoai ở một số công viên...
Tôi nghĩ rằng, đội ngũ kỹ thuật của TTCVCXH vừa nhiệt tâm vừa có trình độ kỹ thuật, là những người đã nghiên cứu đưa cây lôi khoai, cây sòi tía... về trồng thành công ở nhiều công viên trong thời gian vừa qua, sẽ đủ sức tiếp tục nghiên cứu dẫn giống các loài cây bản địa vừa nói về để góp phần đa dạng hóa sắc thái, phong phú hóa chủng loại, đồng thời góp phần bảo tồn, phát triển nguồn gen bản địa đặc trưng cho tỉnh nhà nói riêng và cho đất nước nói chung.
Đỗ Xuân Cẩm