Thật vậy, kể từ khi mèo được thuần hoá và sống chung với loài người, nó là một con vật nhu mì, dễ thương, sống quanh quẩn bên người rất hiền lành. Lại còn có ích vì nó diệt được chuột, để bảo vệ mùa màng và trừ được bệnh dịch. Tục ngữ ta có câu: “Mèo lành ai nỡ cắt tai” để gửi gắm tâm sự ở đời sống hiền lành thì chẳng ai nỡ hại mình. Nếu không may ở hiền mà không gặp lành, còn bị kẻ xấu gièm pha, tìm cách hãm hại thì cũng được người lương thiện bao che, đỡ đầu: hại nó làm gì, nó chỉ là “Mèo cào không xuể vách vôi” ấy mà.

Song mặt trái của tính cách mèo không phải thế, nó còn là “tên sát thủ đáng gờm”… Từ lâu đời dân gian ta đã nói: “Mèo già hoá cáo, cáo già hoá thần chủ”, để ám chỉ những kẻ tinh khôn, ranh mãnh, ma quái, những hạng người mà “lòng người dạ cáo” (Cáo là loài thú ăn thịt sống ở rừng, gần giống chó mà cũng hao hao giống mèo, vì chân thấp, tai to, mõm nhọn, rất tinh khôn, ranh ma…).
Trong xã hội “Mèo già hoá cáo” là những kẻ cơ hội, thường lôi bè kết phái, làm cho chính sự nhiễu nhương, chính trường điên đảo. Trong thơ cổ có câu chỉ hạng người này: “Tính Miêu hiểm độc ai người chẳng hay”.
Miêu là tên của Lý Nghĩa Phủ, sống vào đời nhà Đường(ở Trung Quốc), làm quan to trong triều, tính tình nham hiểm, tham nhũng thối nát, nịnh trên hót dưới, thường hay tập hợp bọn nịnh thần, đâm bị thóc chọc bị gạo, gièm pha hãm hại những trung thần nghĩa sĩ. Con người nham hiểm thế, song bên ngoài Lý thường làm ra vẻ hiền lành, nên người đời thường gọi là Lý Miêu tức Lý Mèo.(Theo Bửu Kế- Tầm nguyên tự điển,Nxb TP Hồ Chí Minh, 1993, tr.328).
Lý Miêu là nhân vật tiêu biểu của chốn cung đình mà xưa nay ta thường gặp.
Ở nước ta, cụ Nguyễn Công Trứ-nhà thơ lớn của dân tộc thế kỷ 19, làm quan đại thần triều Nguyễn, sự nghiệp lừng lẫy trải qua ba đời vua Minh Mạng. Thiệu Trị, Tự Đức. Cụ đã kinh qua các chức vụ lãnh đạo từ Tổng đốc, Đại tướng, Thượng thư Bộ binh đến Thừa Thiên phủ doãn… Công tác ở đâu cụ cũng được nhân dân tin yêu kính trọng nhưng thường bị bọn “Lý Miêu” trong triều đình ghen ghét, gièm pha làm cụ bao phen điên đảo. Năm lần bị cách chức, giáng chức, có lần bị án “trảm giam hậu”, lần thì bị cách tuột xuống làm lính thú ở Quảng Ngãi.
Nhưng với bản lĩnh hào hùng và tính cách của bậc đại trượng phu chỉ biết suốt đời: “quên mình những vì dân vì nước, túi kinh luân từ trước đẻ nghìn sau”, cụ đã vượt lên trên thói đời đen bạc. Sau hơn 30 năm “chen chúc lợi danh đà chán ngắt”, cụ đã gửi lại cho những ai ở đời đang ngày đêm đau khổ khát khao với mộng công hầu khanh tướng bức thông điệp rất “ngông”:
Xuống ngựa lên xe, ngỡ tưởng nhàn
 mùi tiến chức với thăng quan
Điền viên thú dạo con bò cái
Sẵn tấm mo bưng miệng thế gian”
Và ông còn gửi gắm tâm sự của mình qua bài hát đồng dao:
 
Con mèo nằm bếp lo xo
Hay ăn mà lại ít lo, ít làm
Con ngựa đi Bắc về Nam
Ít ăn mà lại hay làm hay lo
Con ngựa đánh giặc Đông Tây
Con mèo nằm bếp ỉa đầy nồi rang
Con mèo nằm bếp…” này là những tên “Lý Miêu” ăn cháo đá bát, ăn hại phá đám, lưu mạnh phản phúc, qua cầu rút ván, phản bạn lừa thầy, mà bất cứ thời nào cũng có trong xã hội…
Mừng Xuân Tân Mão 2011, đón Tết con Mèo năm nay, chúng ta mong sao bọn “Lý Miêu” sớm bị vạch mặt chỉ tên và loại trừ ra khỏi chính trường, xã hội để những người lương thiện sống trung thực, có tâm huyết, đầy đủ phẩm chất và năng lực, được cống hiến hết mình vì sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam văn minh và giàu mạnh trong thế kỷ 21.
Nguyễn Xuân Tùng