Trong loạt tranh sơn mài của Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải, mèo đã mang ký ức đồng dao cũ vào cái sang trọng và đậm chất lễ hội với những đỏ, vàng, vàng cam, nâu sẫm trong bảng màu quen thuộc... Hải và Thanh làm ta nao nức và cả thắc thỏm với Tết mèo đang gần kề.  
Vẫn có thể đọc được những câu chuyện ngụ ngôn trong cách biểu đạt của đường nét, sắc màu. Nhưng trong loạt tranh sơn mài này, Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải như những người mắc nợ tuổi thơ, hoặc cũng có thể hiểu theo một cách khác đi, đó là cách mà họ mang tuổi thơ trở lại, với những gì trong trẻo nhất, hồn nhiên nhất như vốn dĩ của nó. Thế nên mèo trong tranh của cặp họa sĩ song sinh này chỉ hiện diện ở phần mềm mại, láu lỉnh...
Ngay cả khi mèo mơ, hay còn có thể gọi là khát vọng mèo qua những chú cá no tròn, béo múp, người xem vẫn không nhìn thấy sự xung đột hay chiếm đoạt mà chỉ như nhìn thấy cuộc sống trong dòng chảy thân thiện và hiền hòa. Cũng có thể vì những con mắt mèo trong tranh sơn mài và cả sơn dầu nữa của Thanh và Hải đa phần biểu lộ sự ngạc nhiên trong những chấm tròn, hoặc doãi, với những chiếc ria nằm ngang. Quả thật, ngay cả khi dừng lại trong dáng vẻ thu mình với khát vọng (hay sự chờ đợi) về miếng mồi được biểu lộ qua đàn cá, tôi vẫn không nhìn thấy ở đó sự ẩn nấp, cất giấu hay rình rập... mà điều nhìn thấy lại như là ước mơ của một lão nông...
Cũng vàng, đỏ và thêm đen, mèo trong tranh của Võ Xuân Huy lại mang ngôn ngữ của nghệ thuật trìu tượng, với cái nhìn đa diện trong những góc biểu đạt không phải ai cũng có thể cắt nghĩa ngay được. Đó cũng là cách mà Huy “đối chiếu” cuộc sống qua bản ngã của mình. “Mèo dạy cho tôi sự uyển chuyển và nhanh nhạy đúng lúc. Về sự chậm rãi và tốc độ – Huy bảo – Tôi không phải là chuyên gia về mèo hay vẽ mèo nhưng tôi thích quan sát và vẽ mèo lúc nằm, lúc ngủ...”. Tuy nhiên, điều mà tôi thấy, ở những gam màu nóng với đỏ và đen mèo của Huy không còn là loài mèo trong thế giới tả thực nữa...
 
Khai mạc vào chiều 26/1 tại số 4 Hoàng Hoa Thám trong một triển lãm mang tính truyền thống về các con giáp những ngày đầu năm, Triển lãm tranh con mèo do Hội Văn học nghệ thuật phối hợp với Phòng VHTT TP thực hiện lại một lần nữa mang đến những chiều cảm xúc về thế giới vừa láu lỉnh, lại vừa thân thuộc với con người của các họa sĩ Huế... Được thể hiện trên nhiều chất liệu, phòng tranh đã trở thành một địa chỉ thu hút người xem ngay trong những ngày giáp Tết đầy mưa ở Huế. Một địa chỉ mỹ thuật khác nhân Tết con mèo là phòng tranh Mẹo mèo meo meo tại Art Gallery Sông Như mà cái tên của nó đã rất gợi về thế giới của “con giáp” sinh động này.
 
 
Dưới góc nhìn của các họa sĩ và sự thể hiện xúc cảm sinh động của các bảng màu, tranh mèo trên sơn mài, sơn dầu của các họa sĩ đã mang đến cho người xem những cái nhìn thú vị, hóm hỉnh và hiền hòa về thế giới vừa tả thực, lại vừa trìu tượng. Vừa duy mỹ lại vừa duy lý. Nhưng trên hết, đó là một thế giới sống động và đa diện đến từ tranh mèo ở tết mèo ...
 
Hạnh Nhi