Chợ hoa cuối năm thường rất bắt mắt nhờ hoa mào gà đỏ rực mọc thành chùm to, nhiều gia đình mua về để lấy may mắn đầu năm, trang trí ở cổng nhà. Trong con mắt của đông y, hoa mào gà (kê công hoa) có công dụng thông huyết, tiêu độc, dưỡng da. Cách dùng đơn giản nhất là lấy hoa phơi khô, mỗi lần sắc từ l5 g – 20 g để uống. Nhớ chọn hoa tươi, không bị hư thì thuốc mới có chất lượng. Khi nổi mề đay đỏ da thì dùng cả cây hoa mào gà đỏ sắc uống và ngâm rửa.

Từ bao đời, hoa hồng được mệnh danh là sứ giả của tình yêu, được phái nam “ưu ái” dùng “thay lời muốn nói” của mình với người đẹp. Khi nhận hoa này, ngoài việc chưng cho đẹp nhà nhân dịp Xuân về, bạn cũng có thể tranh thủ làm đẹp da mặt, thay vì mua nước hoa hồng vừa có cồn vừa có hóa chất bảo quản làm da dễ bị dị ứng. Cách dùng rất đơn giản: Lấy 20 lá hoa hồng ngâm vào ly nước 70 – 80oC rồi dùng bông gòn rửa mặt. Bảo đảm sau những ngày nghỉ Tết, bạn sẽ xuất hiện tại cơ quan với làn da vừa mịn vừa căng, lỗ chân lông se khít. Tuy nhiên, khi “bồi dưỡng” da mặt đừng quên da cổ, vì vùng này mau lão hóa hơn và là nơi tố giác tuổi tác của bạn còn rõ ràng hơn cả da mặt! Dân gian còn dùng hoa hồng để hoạt huyết, điều hòa kinh nguyệt bằng cách phơi khô pha trà uống. Trường hợp da có mụn nhọt, chỉ cần dùng lá hoa hồng nấu lấy nước rửa sạch là thấy ngay công dụng.

Phỏng vấn phái nam về điều gì ở phụ nữ thu hút họ nhất trong lần gặp đầu tiên thì đa số các anh cho đó là đôi mắt. Muốn có đôi mắt sáng long lanh, bạn nên ăn nhiều hoa hiên, vì có chứa nhiều tiền vitamin A và các khoáng chất. Hoa hiên trên thị trường có hai loại khô và tươi, có công dụng tương tự nhau. Các món nên ăn gồm hoa hiên xào tỏi, vịt quay nhồi hoa hiên, mộc nhĩ, canh nấu với hoa hiên, lẩu hoa... Kinh nghiệm dân gian còn dùng lá hoa hiên chưng uống với đường phèn để cầm máu. Rễ hoa hiên giã uống cầm chảy máu cam. Điều cần nhớ là hoa hiên không được dùng ăn sống vì khi ăn sống sẽ gây trở ngại cho gan, có tác dụng phụ là khó tiêu, đầy bụng.
 
Món hoa thường dùng để... ăn phổ biến nhất là hoa thiên lý, nhưng không chỉ hoa, các thành phần khác của cây cũng có nhiều công dụng độc đáo. Chẳng hạn, rễ hoa thiên lý được dùng để chữa nhức mỏi theo cách đơn giản là phơi khô sắc nước uống. Lá hoa thiên lý có tác dụng sát trùng, diệt khuẩn, kích thích mọc da non, thường dùng để đắp lên mụn nhọt, chữa trĩ ngoại (lòi dom), “toa thuốc” như sau: lấy khoảng 12 – 20 g lá nấu lấy nước, dùng thoa đắp trong một ngày. Hoa thiên lý cũng có công dụng trị các bệnh mất ngủ, táo bón nhờ chứa chất xơ, chất đạm, chất bột đường, các vitamin C, B1, B2, tiền vitamin A (caroten), phốt pho, sắt. Các món đề nghị gồm: hoa thiên lý xào với thịt bò, hoa thiên lý nấu lẩu, nấu canh, xào tỏi... sau khi ăn sẽ thấy an thần, dễ ngủ, nhuận trường.
 
Ngày Xuân, khi cùng bạn bè ôn cố tri tân, nên nhớ đến hoa bạch cúc. Bạch cúc hoa có công dụng kháng viêm, dùng làm thuốc chữa các chứng đau đầu, cao huyết áp, giải nhiệt, tiêu độc... Khi dùng chỉ cần phơi khô rồi hãm lấy nước. Độ đậm nhạt của trà tùy vào khẩu vị của từng người và có thể pha với chút đường phèn, sẽ thấy hết vị ngon của trà. Khách đến nhà không thích trà, nước ngọt có ga thì dùng nước tinh khiết, chỉ cần để một bình thủy tinh nước lọc, vài viên đá tinh khiết, một cành sả, chút lá húng lủi và vài lát chanh sẽ tăng cường sự sảng khoái nhờ có sinh tố C và mùi thơm từ húng lủi, sả kích thích khứu giác làm tiêu tan mệt mỏi.
 
Gần đây, nhiều gia đình còn thích nấu nước đậu đen để uống... Điểm đặc biệt của loại nước giải khát này là không những vừa thơm vừa lạ miệng mà còn có công dụng điều trị các trường hợp nóng trong người, trong xương. Vì thế, những ai bị mụn nên ưu tiên dùng vị thuốc ngon miệng này. Tất nhiên không nên dùng thuần một loại hạt mà nên luân phiên nay hạt này mai hạt khác, cũng không nên ăn quá nhiều vì món gì ăn nhiều cũng... bội thực! Đàn ông ít chịu ăn vặt như phụ nữ nhưng cũng nên ăn các loại hạt này để bảo vệ tiền liệt tuyến. Những người bị huyết áp thấp do ma-giê trong máu giảm, chỉ cần thường xuyên ăn các loại hạt để bổ sung.
 
Cái răng cái tóc là góc con người. Những ai có mái tóc lơ thơ như cánh đồng lúa vừa gặt thì nên chú ý đến trái dừa trong đĩa trái cây cúng ông bà. Sau khi uống nước dừa, cần ăn cả cơm dừa. Loại cơm dừa nên thuốc là loại không mỏng quá mà cũng không dày, chúng chứa một số sinh tố và khoáng chất mà tóc “ưa thích”. Mạch máu khỏe, sợi tóc mới chắc, vì vậy cần dùng thêm trái tắc mà nhiều nhà vẫn chưng ngày Tết để làm nước uống. Các loại trái cây khác như cóc, chùm ruột, khế, kiwi cũng chứa nhiều sinh tố giúp mạch máu chắc khỏe, cung cấp nhiều dưỡng chất cho tóc. Món tắc chưng đường phèn còn có công dụng trị ho cho trẻ em và người lớn rất hiệu quả. Khi muốn dùng chỉ cần cho ba quả tắc, một cục đường phèn (to nhỏ tùy thích) vào cái chén, bỏ vào nồi cơm lúc cạn nước. Cơm chín là có cả cơm và thuốc.
 
Đứng sau dừa là đu đủ. Trái này có công dụng nhuận trường đẹp da thì ai cũng biết, nhưng còn một ưu điểm ít người hay là giúp tiêu hóa thức ăn. Ngày Xuân có lỡ đầy bụng mà trong nhà không có trái thơm, mứt gừng, trà gừng, bưởi chua, thì dùng một miếng đu đủ chín là... êm. Men của đu đủ sẽ giúp tiêu hóa thức ăn, giảm thiểu độc tính trên niêm mạc dạ dày. Nhưng các nhà Đông y vẫn dặn dò: Ăn một lát đu đủ thì giúp tiêu thực nhưng ăn nhiều hơn lại bị đầy bụng. Vì thế, cần nhớ kỹ liều lượng để không bị tác dụng phụ. Dùng đu đủ thường xuyên, mỗi ngày một lát mỏng còn giúp ngăn chặn từ xa tai biến mạch máu nhờ trong đu đủ có chứa chất kháng viêm. Thưởng Xuân mà thấy không khỏe, mất ngủ, khó tiểu thì dùng dừa và dưa hấu để làm mát cơ thể, định tâm thần. Trái dưa hấu còn là thuốc cho người bệnh khớp nhưng phải “trùm sò” ăn thêm chút phần vỏ trắng, là nơi chứa nhiều flavon mới có kết quả như ý (giúp tuyến thượng thận làm tốt “công tác” giảm đau cần có sinh tố C và flavon).
 
Ngày Xuân khó tránh chuyện chén chú chén anh. Để hạn chế quyền lực của thần lưu linh, các ông chỉ cần “thủ” sẵn ít bột sắn dây để pha cùng chanh tươi. Trong trường hợp không có “vũ khí phòng thân”, hãy tận dụng mứt tắc, nước chanh, dưa hấu, lê, nước đậu xanh...

Theo NLĐ