Một điệu múa phục vụ cộng đồng  

 Trưa muộn, cái nắng mỗi lúc một gay gắt. Đường trưa vắng. Sau những bờ rào hiền lành, những ngôi nhà ở xã biên giới Trung Sơn đang trở nên rộn rã bởi tiếng chuyện trò của người thân trong gia đình, quây quần bên bữa cơm. Trong lúc đó tại hội trường của một cơ sở trường học cũ, các cô gái, chàng trai thành viên CLB Văn nghệ dân gian xã Trung Sơn vẫn mải miết luyện tập, quên thời gian. Mồ hôi lấm tấm trên mặt, thấm ướt cả lưng áo, nhưng nụ cười của chị Hồ Thị Lêu, Chủ nhiệm CLB và chị Hồ Thị Hương, Phó Chủ nhiệm vẫn tươi rói cho biết, cả đội đang gấp rút tập mấy tiết mục để phục vụ trong phiên chợ vùng cao A Lưới.

Trước khi tham gia các tiết mục văn nghệ dân gian tại các lễ hội truyền thống (mừng lúa mới, tạ ơn bốc mộ, đám cưới…), các sự kiện do địa phương tổ chức hay phục vụ khách du lịch tại các homestay, dù quy mô lớn hay nhỏ, tất cả thành viên CLB đều tập luyện, chuẩn bị kỹ càng, công phu. “Hầu hết công việc của chúng tôi là làm nương, làm rẫy, lên rừng, xuống suối, rất vất vả. Nhưng chúng tôi sẵn sàng dành thời gian học hỏi từ các nghệ nhân; khi sắp có biểu diễn, tranh thủ cả buổi trưa, có lúc đến tối muộn để tập luyện. Đôi lúc chỉ biểu diễn 2 tiết mục, nhưng chúng tôi tập luyện trong 1 tháng. Nhiều tiết mục cũ, được sáng tạo thêm, với mong muốn mỗi lần diễn, lại đem đến cho khán giả một tiết mục “đẹp”, luôn tươi mới. Đây cũng là tâm huyết của thế hệ nối tiếp, nỗ lực góp phần giữ hồn văn hóa nơi đại ngàn” - chị Hồ Thị Lêu, Hồ Thị Hương chia sẻ.

 

Nhớ có lần, tại homestay Hương Rừng, sau khi thưởng thức điệu múa “zazã” - một vũ điệu đặc trưng của đồng bào dân tộc Ka Tu, hòa quyện trong âm thanh réo rắt, trầm bổng của những nhạc cụ nơi núi rừng, do CLB Văn nghệ dân gian xã Trung Sơn thể hiện, khách du lịch từ các tỉnh phía nam đã bày tỏ sự hài lòng, thích thú. Nhiều người nói rằng, những điệu múa dân gian thể hiện tâm hồn lạc quan, yêu cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên mảnh đất này, khiến họ ấn tượng hơn về “màu sắc” của A Lưới, để một lúc nào đó sẽ còn quay lại.

Trong ngày hội “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp Trung ương Hội LH Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại A Lưới đầu năm 2023, CLB Văn nghệ dân gian xã Trung Sơn được mời biểu diễn. Người dân A Lưới hay đại biểu đến từ Thủ đô Hà Nội, từ TP. Huế…, bất cứ ai cũng khó có thể quên không khí hào hùng, rộn rã, vui tươi, ấm áp của một ngày hội lớn dành cho con người, mảnh đất nơi đây. “Xuyên suốt” trong không khí ấy là âm thanh của các nhạc cụ và các vũ điệu truyền thống của đồng bào. Chị Hồ Thị Hương xúc động bày tỏ, tất cả mọi thành viên trong CLB đều hạnh phúc và tự hào vì được biểu diễn tại ngày hội, để “gửi” nét văn hóa của núi rừng A Lưới theo vào tình cảm bạn bè.

Theo bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện A Lưới: Trên địa bàn huyện, hầu như xã nào cũng thành lập CLB Văn nghệ dân gian, phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Đặc biệt tại những địa bàn có nhiều điểm du lịch; phát triển về dịch vụ du lịch, các CLB phát triển mạnh hơn, biểu diễn phục vụ khách du lịch nghỉ dưỡng tại các homestay. CLB Văn nghệ dân gian xã Trung Sơn là một trong những CLB mạnh; các thành viên rất tâm huyết trong việc giữ gìn, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, rất đáng trân trọng.

Mới đây nhất, “màu áo” của CLB Văn nghệ dân gian xã Trung Sơn “theo” cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân về TP. Huế, đóng góp vào hội thi “Dân vận khéo” do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức. Tôi lại “gặp” nụ cười thật tươi của những thành viên CLB khi các chị nói rằng: “Chúng tôi thật vui vì mang theo màu sắc của núi rừng về phố”.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh