Nông sản OCOP của người dân |
Xây dựng tổ chức hội vững mạnh
5 năm qua, nhìn toàn cảnh bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh có thể dễ dàng nhận thấy đó là tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,13%, tỷ lệ nông dân tham gia bảo hiểm y tế trên 99,1%. Những thành tựu trong sản xuất nông nghiệp góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân nói chung và nông dân nói riêng không ngừng được cải thiện. Cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục được triển khai đầu tư theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 67/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Công tác xây dựng tổ chức hội luôn được xác định là nhiệm vụ then chốt với mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, đẩy mạnh phát triển, tập hợp, thu hút hội viên. Nhiệm kỳ 2018-2023, số hội viên được kết nạp mới 16.749 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh đến nay 85.093 hội viên. Đến nay, toàn tỉnh có 131/141 xã, phường, thị trấn có tổ chức hội với 968 chi hội, thành lập 27 chi hội nghề nghiệp với 408 thành viên, đạt 100% và 238 tổ hội nghề nghiệp với 2.685 thành viên. 100% cơ sở, chi, tổ hội được củng cố về tổ chức và chất lượng hoạt động, chất lượng hoạt động từ cơ sở hội đến các chi, tổ hội từng bước được nâng cao.
Cán bộ hội từ tỉnh đến cơ sở từng bước được trẻ hóa, được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, nghiệp vụ công tác hội. Hàng năm, 100% cán bộ hội chuyên trách và cán bộ chi, tổ hội được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ công tác Hội; cử cán bộ hội chuyên trách các cấp có đủ điều kiện để tham gia các khóa đào tạo các chương trình trung cấp, cao cấp lý luận chính trị.
Các cấp hội đã tổ chức hơn 11.000 buổi tuyên truyền cho hơn 550.000 lượt người, đạt 117% chỉ tiêu. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát sóng 60 chuyên đề “Nông nghiệp, nông thôn”, Báo Thừa Thiên Huế ra trang chuyên mục “Nông dân Thừa Thiên Huế”, tổ chức 10 hội thi với các nội dung phong phú; phát hành hơn 14.500 cuốn bản tin công tác hội, 7.500 cuốn tuyên truyền. Trang thông tin điện tử và fanpage của Hội Nông dân tỉnh đăng tải hơn 2.000 tin, bài, ảnh, phản ánh kịp thời, đa dạng hoạt động công tác hội và phong trào nông dân. Các cấp hội tổ chức 1.000 buổi tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý gắn với hoạt động tuyên truyền, hòa giải ở cơ sở giúp hội viên, nông dân hiểu và chấp hành nghiêm pháp luật; cung cấp 2.300 quyển sổ tay phổ biến pháp luật, 3.500 tờ gấp pháp luật, 2.250 cuốn tài liệu tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, thành lập mới 3 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” gồm 90 thành viên và 7 câu lạc bộ xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất
Hoạt động hỗ trợ vay vốn cho hội viên, nông dân luôn được các cấp hội quan tâm phối hợp, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân được tiếp cận vay các nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Tính đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh và cấp huyện tăng trưởng 21,366 tỷ đồng, tổng số nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đang quản lý là 35,088 tỷ đồng với 177 dự án và 971 hộ vay vốn. Các cấp hội đã tăng cường phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để giúp nông dân vay vốn, phát triển sản xuất. Tổng dư nợ ủy thác qua kênh Hội Nông dân đến ngày 30/7/2023 đạt 1.130 tỷ đồng, với 26.139 hộ vay vốn còn dư nợ, tỷ lệ nợ quá hạn 0,025%. Hội nông dân các cấp phối hợp với ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp nông dân vay vốn sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ 329 tỷ đồng thông qua 186 tổ vay vốn với 3.111 hộ vay và Ngân hàng Liên Việt với dư nợ 48,637 tỷ đồng cho 1.876 hộ vay thông qua 99 tổ vay vốn.
Hội Nông dân tỉnh trực tiếp hỗ trợ, đầu tư xây dựng 78 mô hình với hình thức đối ứng 50% cho 827 hội viên với tổng số tiền trên 2,6 tỷ đồng. Hội nông dân huyện, xã phối hợp triển khai xây dựng hơn 100 mô hình kinh tế cho hội viên nông dân. Với các nguồn vốn này đã giúp hội viên, nông dân giải quyết tốt nhu cầu vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, bổ sung thêm nguồn lực phát triển kinh tế, mở rộng mô hình sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong nhiệm kỳ, các phong trào thi đua do Hội phát động tiếp tục phát triển sâu rộng và được nâng cao về chất, có sức lan tỏa. Các phong trào nông dân đã được hội viên tích cực hưởng ứng, tham gia, tạo khí thế thi đua sôi nổi. Điểm nhấn là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tiếp tục được phát triển, lan tỏa trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề, thu hút hàng ngàn hội viên, nông dân tham gia. Từ đó, tạo động lực khích lệ, động viên hội viên, nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động để đầu tư phát triển sản xuất; mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất... tạo ra nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu, hình thành một số vùng sản xuất tập trung. Kết quả đã thu hút hơn 53.000 hộ hội viên, nông dân đăng ký và có hơn 31.000 hộ được công nhận đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đạt 122,9% chỉ tiêu. Các cấp hội vận động thành lập 56 câu lạc bộ “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp với hơn 600 thành viên tham gia.