Tiết học tích hợp ở Trường trung học cơ sở Duy Tân. Ảnh: Hoàng Hương |
Thông tin trên trang thông tin điện tử các trường đại học sư phạm Đà Nẵng, Huế cho thấy đã đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp từ năm 2020. Riêng ở Trường đại học Sư phạm Huế, sau 4 năm tuyển sinh các môn tích hợp, có 182 sinh viên học Giáo dục Công dân, 277 sinh viên sư phạm Lịch sử – Địa lý và 162 sinh viên sư phạm KHTN. Trong khi đó, nhiều trường sư phạm vẫn chưa tuyển sinh. Lịch trình và quy mô tuyển sinh như vậy sẽ không đủ giáo viên dạy được môn tích hợp các năm học sau này cho khu vực miền Trung và cả nước. Số sinh viên đang học đại học sư phạm để giảng dạy các môn này ở phổ thông được khoa chuyên môn như khoa sinh, khoa lịch sử quản lý, chưa có khoa chuyên ngành quản lý đào tạo. Mặt khác, nếu muốn học lên cao sau đại học thì lại phải soạn một chương trình đào tạo thạc sĩ môn tích hợp. Đây cũng là thiệt thòi và hạn chế của các em trong học tập chuyên môn vì tích hợp ở cấp THCS còn nhiều vướng mắc, huống hồ ở cấp cao hơn.
Cô Lê Thị Hồng Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An và cô Hoàng Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Diễu, TP. Huế cho biết: Đánh giá chung là trong chương trình mới về mục tiêu, nội dung có nhiều tích cực, vận dụng, trải nghiệm, giáo dục kỹ năng cho học sinh. Tuy nhiên, nhiều bài thực hành, thí nghiệm cần điều kiện cơ sở vật chất là thiết bị, phòng thí nghiệm thì lại chưa đủ, chưa đồng bộ... nên các bài thực hành, thí nghiệm chưa làm được. Vì vậy, chưa phát huy được ưu điểm của nội dung chương trình. Về các môn tích hợp, thực sự kiến thức chuyên môn trong các giáo trình vẫn gồm 3 phần hoặc 2 phần ghép lại riêng rẽ, chưa thấy tích hợp, liên thông kiến thức nhiều. Dù đã triển khai tới năm thứ 2, nhưng chưa có giáo viên dạy môn tích hợp, vẫn phân công giáo viên các môn riêng dạy các tiết tích hợp theo chuyên môn của mình. Việc phân chia thời lượng theo chủ đề tích hợp gây khó cho việc sắp xếp thời khóa biểu giảng dạy, gây quá tải và mệt mỏi cho giáo viên trong từng thời điểm, có những tuần một giáo viên dạy 30 đến 40, thậm chí đến 45 tiết...
Tại các trường chúng tôi khảo sát, lãnh đạo nhà trường cho biết khi áp dụng chương trình mới, giáo viên được phân công dạy các môn tích hợp đã thích ứng dần với với việc dạy môn tích hợp trái với ngành đào tạo, nhưng chỉ mới đạt ở mức dạy được. Môn tích hợp các lớp 6, 7 giáo viên sau tập huấn, tự học hỏi, bồi dưỡng kiến thức có thể dạy được, nhưng đến lớp 8, lớp 9 có kiến thức chuyên sâu hơn nên phần chuyên môn của ai thì lại người đó dạy để đảm bảo chất lượng học tập cho học sinh. Khi được hỏi về phía học sinh học chương trình mới có các môn tích hợp như thế nào, các cô cho biết: giáo trình thì tích hợp nhưng môn học lại riêng nên khi học, học sinh bị cách quãng thời gian quá lâu, giữa năm trước và năm sau sẽ bị quên kiến thức. Ví dụ một môn năm lớp 6 học 15 – 20 tiết, sang lớp 7 mới học lại thì việc kết nối tri thức sẽ rất khó.
Đặc biệt đáng lo ngại là từ cấu tạo chương trình môn tích hợp sẽ dẫn đến việc không phát huy được năng lực chuyên biệt của những học sinh có năng khiếu từng môn. Chuyện này dẫn đến hệ quả là khi học THCS không phát hiện, bồi dưỡng được năng lực chuyên biệt thì sẽ ảnh hưởng đến đầu vào chọn học sinh các lớp chuyên KHTN, lịch sử, địa lý tại các trường chuyên THPT sau này. Để kiểm tra, đánh giá các môn học tích hợp thì khi ra đề kiểm tra, các thầy cô giáo cũng phải căn cứ vào từng phân môn để tập hợp các câu hỏi đề thi thành một đề, khi chấm thi lại chia ra cho từng giáo viên phân môn chấm. Việc này gây mất thời gian của giáo viên rất nhiều mới có bảng điểm chung của một môn tích hợp.
Một giờ học môn tích hợp ở Trường trung học cơ sở Chu Văn An (TP. Huế) Ảnh: Ngọc Hòa |
Những người trong cuộc chúng tôi phỏng vấn còn nêu thêm một số vấn đề. Thứ nhất, khi tuyển dụng giáo viên, chúng tôi tuyển giáo viên dạy một chuyên môn riêng, nay bắt họ dạy cả 3 hay 2 môn có đúng với Luật Lao động, Luật Giáo dục không? Nếu họ dạy không tốt các môn không chuyên, đánh giá, xếp loại họ thế nào? Nếu họ xin đi học sau đại học chuyên môn riêng của họ có được không, hay phải chờ sau đại học môn tích hợp. Thứ hai, chương trình Giáo dục địa phương chưa có giáo trình dẫn đến chỉ sử dụng tài liệu chưa chính thức theo từng bài, dẫn đến dạy dồn, dạy gấp vào cuối kỳ hoặc cuối năm.
Từ việc dạy và học các môn tích hợp trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chúng tôi nhận thấy việc áp dụng, triển khai còn nhiều khó khăn, bất cập từ sách giáo khoa, giáo viên giảng dạy và lo lắng về chất lượng đào tạo. Tìm hiểu về các giải pháp để thực hiện việc dạy và học các môn này thì có thể nói là các giải pháp của các cấp từ Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT chỉ đạo chỉ mới ở mức đối phó, giải quyết tình huống, chưa phải giải pháp tối ưu, triệt để. Ý kiến chung của giáo viên trực tiếp giảng dạy và cán bộ quản lý nhà trường là nếu chuẩn bị chưa kỹ về đội ngũ giáo viên dạy môn tích hợp, biên soạn nội dung sách giáo khoa thực chất tích hợp hơn nữa, chưa đồng bộ hoặc thiếu những điều kiện cơ sở vật chất về thực hành, thí nghiệm thì phải tạm thời dừng, lùi việc dạy các môn tích hợp lại đến khi đạt các điều kiện cần và đủ thì thực hiện. Nếu vẫn tiếp tục thì phải cố gắng rất nhiều để khắc phục các điểm trừ như trên đã nói và chưa hy vọng có được kết quả như mong muốn, tức thay đổi được chất lượng giáo dục phổ thông cấp THCS như mục tiêu cải cách nâng cao chất lượng giáo dục như chương trình đưa ra.