Gần nhà tôi có một khu chợ xép. Chợ họp sớm, tan sớm. Có khi chưa tới chín giờ, bóng mặt trời còn chưa kịp ló hết ra khỏi khu nhà cao tầng phía đông, chợ đã vãn người, không còn cảnh năng mua, năng bán. Điều tôi thích nhất ở khu chợ nhỏ này là tuy hàng hóa ít nhưng những mặt hàng thực phẩm luôn sạch sẽ, tươi ngon. Tôm sông, cá đồng, rau dưa vườn nhà mỗi mớ mỗi ít được đựng trong những chiếc rổ con xếp dọc theo lối đi gần phía cổng chợ.

Ai muốn mua cá biển, thịt, thực phẩm khô,... thì đi vào sâu bên trong. Vì chuộng lối ăn xanh nên tôi hay tìm đến một mệ già chuyên bán rau dưa, củ quả ngồi nép một bên góc chợ. Cũng tầm tuổi ngoại ở quê, mệ mặc bộ áo quần bà ba tối màu, đi đôi dép nhựa màu đỏ, da đồi mồi, cả mái đầu bạc phơ được búi thành một chỏm nhỏ bằng quả cau giấu mình dưới vành nón lá bạc màu. Tuổi cao, lưng hơi khòm nhưng quanh năm suốt tháng, hiếm ngày nào thấy mệ vắng mặt tại khu chợ xép. Với mớ rau khiêm tốn, khi thì vài bó tía tô, một nắm rau lang, rau ngót, khi khác là vài kẹp ngò tây, chục trái vả, khi khác, mệ đặt xuống nền đất ba, bốn mụt măng vòi. Mùa mưa, mệ siêng muối dưa hơn những ngày nắng ráo. Tôi mê nhất là món dưa chuối của mệ. Ở quê, ngoại cũng hay muối dưa, nào dưa môn, dưa cà, dưa cải, nhưng tuyệt nhiên không có món dưa chuối như của mệ.

Tôi lân la hỏi, mệ cười kể chi li về cách chế biến món dưa “huyền thoại”. Cây chuối con lớn lên, thân mình mướt rượt, phổng phao rồi trổ buồng kết trái. Sau đó, cây sẽ bắt đầu tàn. Những tàu lá dần rũ xuống, thân mình ngả vàng. Lúc này, mệ sẽ dùng một cây dao con thật sắc tách bỏ phần bẹ bên ngoài, giữ lại phần lõi bên trong rồi đem xắt mỏng, thiệt mỏng, ngâm muối, chêm thêm ít kiệu cho thơm. Cũng nhờ mệ mà tôi biết thêm ba, bốn cách pha nước chấm ăn kèm với dưa chuối khác nhau. Cách nào cũng rất bắt miệng, ăn hết bữa vẫn nhưng nhức, thòm thèm.

Các khu chợ ở Huế luôn có những phiên bản mệ na ná nhau. Chợ xép, chợ đầu mối, chợ lớn, chợ trung tâm gì cũng có. Những dáng hình hao gầy, cũ kỹ, rồi giọng nói cũng có chút chậm rãi theo dấu vết thời gian. Có lẽ do chân yếu, các mệ không thể chen chúc và đi được xa nên các o, dì bán hàng đã không bao giờ gây khó dễ, họ luôn dành cho các mệ một chỗ ngồi đầy ưu tiên. Thường là ở một góc gần ngay lối vào cổng chợ, có khi các mệ lọt thỏm giữa bao người buôn bán các mặt hàng chẳng hề liên quan dưới một tán cây cổ thụ xanh mát. Hàng thức các mệ bày ra trong những chiếc rổ con, thau nhựa cũng không khác nhau là mấy, toàn là những rau trái lượm lặt quanh vườn. Ngay cả mùi vị, cách chế biến món ăn mà các mệ chia sẻ cho khách hàng cũng luôn chuẩn vị truyền thống, chúng có cùng một công thức “mạ mệ truyền lại cho mệ ngày xưa”.

 Ở ngưỡng thập cổ lai hy, các mệ không “cập nhật” được xu hướng trồng rau nhờ thuốc, nhờ phân mà xanh rờn, mau tốt, không thuộc nằm lòng “kỹ xảo” muối dưa chín vội, ngâm mít, ngâm chuối cho trắng phau phau. Hàng các mệ bán bao giờ cũng sẫm màu, thô kệch nhưng tin cậy và thân thương như chính các mệ vậy.

Mỗi lần đi chợ, tôi luôn quen mặt các mệ không chỉ vì muốn ăn ngon, ăn sạch mà còn vì một điều gì đó khác thật ấm áp, thiết tha. Những dáng hình nhỏ bé, chậm rãi, những nụ cười, giọng nói hiền hậu ấy giống hệt bà ngoại, bà nội tôi ở quê. Giữa tất bật phố phường, giữa đông đúc chợ búa, tôi có cơ duyên chuyện trò với các mệ chính là một sự gặp gỡ đầy đẹp đẽ, an lành. Các mệ không chỉ bán cho tôi một món ăn thơm ngon, tròn vị mà còn hơn thế, từ mớ rau dưa, cà, vả, tôi nghe ra mênh mang vườn tược, bát ngát ruộng đồng.

Diệu Thông