Phân biệt đầu và hàm rắn độc - rắn không độc 

Thấy người cố gắng bò đi thật nhanh thì phần nhiều là rắn không độc. Thấy người rắn thu người lại thủ thế phình mang hoặc bò đi đủng đỉnh thì phần nhiều là rắn độc. Ở rắn không độc, đồng tử (con ngươi) thường tròn, trong khi rắn độc thì đồng tử sọc dọc (hình elip). Tuy nhiên vẫn có ngoại lệ, khi đồng tử của một số loài rắn độc như mamba đen (châu Phi), rắn hổ (Trung Đông, châu Á, châu Phi), và rắn taipan của Úc lại có hình tròn. Một số loài rắn dù không độc nhưng lại có khả năng thay đổi hình dạng đồng tử tùy theo tình huống nguy hiểm hay không. Vậy nên, nếu thấy đồng tử mắt của một con rắn có hình tròn thì cũng đừng vội chủ quan.

Rắn độc, ở khoảng giữa mắt và lỗ mũi của chúng sẽ có hốc nhỏ. Đây là lỗ cảm nhận nhiệt, cho phép chúng xác định vị trí của con mồi. Vảy đuôi của rắn độc thường được phân thành từng hàng riêng lẻ, trong khi rắn không độc sẽ có một đường chia thành 2 cột vảy xen kẽ nhau.

Thông thường đầu của rắn độc khá lớn, có hình tam giác, cổ nhỏ, đuôi ngắn, đoạn đuôi từ sau hậu môn nhỏ thót lại, hoa văn hiện rõ. Đầu của rắn không độc tương đối nhỏ, có hình bầu dục, đuôi dài, đoạn đuôi phía sau hậu môn nhỏ dần. Tuy nhiên, một số rắn độc nhưng đầu của rắn cạp nong, cạp nia và các loài rắn biển thì đầu của chúng gần giống như đầu của rắn không độc. Trong số rắn không độc, cũng có một số ít loại có đầu hình tam giác... Về màu sắc và họa tiết trên da, rắn độc thường có màu nổi bật, và có thể phát ra những tiếng rít rất đặc trưng (giống như âm thanh của rắn đuôi chuông). Ngoài ra, nếu trên da rắn có những vân họa tiết hình kim cương, hoặc có từ 3 màu trở lên nhiều khả năng là rắn độc

  Rắn có răng độc thì chắc chắn là rắn độc. Răng độc có hai loại: một là, răng móc câu, trên răng có một rãnh dẫn nọc độc. Hai là, răng ống, gồm một đôi răng dài hơi cong, đầu nhọn rất nhỏ, giống như đầu của kim thêu hoa, bên trong răng là rỗng cũng giống như chiếc ống, cho nên gọi là răng ống. Phần gốc của răng ống thông với ống dẫn của tuyến độc, nó giống như răng rãnh, khi cắn người, cơ ở phía ngoài tuyến độc co lại, ép dịch độc ở bên trong vào đường ống của răng độc, rồi chích vào trong cơ thể người, dịch độc theo máu tỏa ra khắp cơ thể người sẽ làm cho người bị trúng độc. Vì vậy, khi bị rắn cắn, có thể căn cứ vào vết răng để phân biệt bị loại rắn độc cắn hay là rắn không độc cắn, nếu là rắn độc thì nhất định có một vết răng hoặc hai vết răng của răng độc, còn nếu là rắn không độc cắn thì chỉ có hai hàng răng nhỏ li ti.

Nếu là rắn độc cắn thì nơi bị cắn sẽ bị sưng tấy và đau đớn dữ dội rất nhanh. Có khi còn cảm thấy chóng mặt, vã mồ hôi, khó thở...  Nhưng khi bị các loại rắn độc như các loại rắn biển, rắn cạp nong và rắn cạp nia cắn, thường mấy giờ sau mới xuất hiện triệu chứng, tính nguy hiểm rất lớn, phải đặc biệt chú ý.

Tóm lại, khi nạn nhân bị rắn cắn, tại hiện trường, đưa bệnh nhân ra khỏi khu vực bị rắn tấn công, chuẩn bị phương tiện nhanh chóng vận chuyển, quấn kín chi bị cắn, cố định nó ở ngang mức tim, và tháo bỏ các vật dụng gây bó, thắt như nhẫn và đồng hồ: không cắt, rạch vào vết thương hay thực hiện garo. Theo dõi bệnh nhân có các vết cắn của rắn lục thường xuyên trong ít nhất 8 giờ, lâu hơn nếu phát hiện thấy có nhiễm nọc độc rắn. Điều trị vết thương và triệu chứng, và hội chẩn với trung tâm chống độc. Dùng thuốc kháng nọc độc sớm với liều hợp lý, trẻ em được dùng liều đủ như người lớn.

TS.BS. Nguyễn Đức Hoàng