Sinh viên Trường đại học Kinh tế tham gia biểu diễn văn nghệ trong chiến dịch hè năm 2023

Theo diễn giả - ThS. Lê Quang Trực, Chuyên gia đào tạo, tư vấn marketing và đổi mới sáng tạo, giảng viên Trường đại học Kinh tế, để trả lời chính xác câu hỏi vì sao sinh viên có tư tưởng học làng nhàng thì cần thực hiện một cuộc nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, từ quan sát và trải nghiệm trong 20 năm giảng dạy đại học, ThS. Lê Quang Trực cho rằng, phần lớn sinh viên có thái độ học nhìn chung là làng nhàng. Làng nhàng ở đây có thể hiểu là học hời hợt, học không sâu, học chỉ dừng lại ở việc tiếp xúc bề mặt của vấn đề.

Nguyên nhân điều này có thể nhìn từ nhiều phía. Bên cạnh tư tưởng, mục tiêu của mỗi sinh viên như đã đề cập ở trên, có thể do chương trình đào tạo chưa hợp lý, chưa cập nhật; việc giảng dạy chưa đúng nghĩa khai phóng để giúp sinh viên phát triển bản thân; môi trường học tập chưa phát huy hết khả năng của người học và nhiều lý do khác nữa nếu tiếp cận theo hệ sinh thái giáo dục đại học…

ThS. Lê Quang Trực phân tích: “Xung quanh các bạn sinh viên có quá nhiều bài học thực tế để tự hiểu, tự nhận thấy rằng nếu học hành làng nhàng thì khó có được thành công. Hay nói cách khác, những người học thực sự, học nghiêm túc thì cơ hội thành công có tỷ lệ cao hơn so với học làng nhàng. Theo tôi, đầu tiên có ba câu hỏi lớn, gốc rễ mà chính bản thân mỗi sinh viên cần đặt ra và tự trả lời, đó là: Học để làm gì? Học như thế nào? Học cái gì? Khi đã xác định được tư tưởng sẽ tiến đến phương pháp học. Sinh viên phải luôn thách thức những gì mình biết bằng cách đón nhận điều mới mẻ thay vì để tâm trí mình lên tiếng theo kiểu “tôi biết rồi”. Cùng với đó, cần tìm một cộng đồng tích cực liên quan đến học hỏi và phát triển bản thân để tham gia vào. Tìm cho mình một người hướng dẫn. Nếu may mắn, các bạn sinh viên sẽ có một người giúp bạn dẫn dắt và đồng hành trên một hành trình xa hơn”.

Khi sinh viên chưa nhận ra đúng và đầy đủ việc học thì những người khác có thể giúp họ. Trong phạm vi giảng đường đại học, vai trò đó thường được thực hiện bởi nhà trường, cụ thể là giảng viên vì họ thường xuyên tiếp xúc với sinh viên. Theo các chuyên gia, cần thay đổi giảng dạy không phải là dạy, mà giúp sinh viên học tốt hơn. Nói cách khác, cách dạy sinh viên tốt nhất là hãy tìm cách để sinh viên học tốt nhất. Giảng viên là người gợi mở, kích thích sự tự học, tìm tòi, khám phá của sinh viên. Thay đổi một từ, cách tiếp cận sẽ khác đi, cách làm cũng khác đi.

Theo ThS. Lê Quang Trực, để thay đổi về chiều sâu vấn đề, cần định nghĩa việc học theo phạm vi rộng hơn. Học phải là thực học: học để biết, để phát triển trí tuệ; học để làm việc, tức là làm nghề nghiệp thật tốt; học để cùng chung sống với người khác... Một điều quan trọng đối với mỗi người là học để hiểu và chọn cho mình một cách sống, một lối sống làm cho mình hạnh phúc theo cách của mình, nhưng không gây hại cho người khác.

PGS.TS. Trương Tấn Quân, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế cho rằng, việc xác định tư tưởng học tập nghiêm túc, chủ động ngay ban đầu cho các tân sinh viên là vô cùng quan trọng. Như với Trường đại học Kinh tế luôn nhấn mạnh với sinh viên rằng, học là để phát triển bản thân và để phụng sự, chứ không học vì những tham vọng, vì những hào nhoáng bằng cấp. Đừng coi bằng cấp chỉ là nấc thang vì mục đích danh lợi. Sinh viên phải ý thức sâu sắc rằng, một xã hội phát triển bền vững chỉ khi có một nền giáo dục thực chất. Khi xác định được như vậy, thì các em ý thức được việc học và mai này các em ra đời sẽ góp phần giải quyết căn bệnh “Thật giả lẫn lộn”, hay kinh doanh bất chấp mọi giá.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG