Điều ấy cũng có nghĩa là, để ca trù được bảo vệ khẩn cấp với những đòi hỏi về thời gian, quy trình nghiêm ngặt và lâu dài trên nhiều phưong diện, nhất là đào tạo nghệ nhân, điều mà Ca trù cần để thực sự trở thành một dòng văn hóa sống chính là không gian diễn xướng với những đặc trưng riêng có. Đây cũng là một không gian mà Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - trong những nỗ lực để lưu giữ và bảo tồn của mình đã đặt ra như một nhiệm vụ không kém phần cấp bách.
 
Trong khi Ca trù bị thu hẹp về “sân” diễn, về đối tượng khán giả, về sự thưa vắng đội ngũ nghệ nhân thì vấn đề của Quan họ Bắc Ninh lại nằm ở sự chi phối và lấn át của xu thế thị trường, với những không ít biến tướng đã được cảnh báo như sân khấu hóa, hiện đại hóa, chèo hóa và cả…nhà hàng hóa. Chính vì thế, kể từ sau khi được UNESCO công nhận hai danh hiệu trên vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 – 2009, vấn đề tạo lập một không gian văn hóa đúng nghĩa cho các di sản văn hóa phi vật thể này lại một lần nữa được đặt ra một cách riết róng. 
 
Ca trù
 
Ngay cả khi đã được xác định là không gian văn hóa thì việc gìn giữ và tạo dựng lại Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại với một biên độ rộng bao gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng ...) cũng vẫn được coi là một yêu cầu mang tính đối trọng trong việc bảo tồn các giá trị bản sắc riêng có.
 
Và trong quá trình kể từ ngày được công nhận đến nay (15 -11 – 2005), việc xác lập lại không gian văn hóa ấy vẫn đang vấp phải không ít khó khăn mang tính thách thức; vẫn còn không ít cách nhìn, cách tổ chức trình diễn rất sân khấu hóa và trình diễn hóa…làm cho cồng chiêng thiếu đi đời sống cộng đồng, thiếu đi hơi thở và sinh khí vốn có của mình.
 
Cái mà người ta nói đến nhiều nhất, tranh luận và tranh cãi nhiều nhất ở đây vẫn là không gian văn hóa – mảnh đất để các di sản văn hóa (kể cả các di sản văn hóa chưa được vinh danh vào danh sách này) được “nuôi dưỡng” và “trường tồn” trong đời sống hôm nay.
 
Xác định, tạo lập và tổ chức lại được không gian ấy là việc cần thiết để có thể đối trọng được với những thay đổi về đối tượng công chúng cảm thụ, thị hiếu cảm thụ khi mà nhịp sống năng động hơn nhưng cũng vội vã hơn làm con người ít có thời gian (hoặc cảm giác như mình không đủ kiên nhẫn) để tìm hiểu và chiêm nghiệm các giá trị nghệ thuật truyền thống…    
 
2. Trong mối tương quan này, Nhã nhạc cung đình Huế xem ra thuận lợi hơn và đang thực sự có môi trường tốt hơn trong việc khôi phục và bảo tồn. Là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận (1994), có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế phi chính phủ thông qua các dự án truyền nghề, thu thập, tìm kiếm và bổ sung tư liệu; mở các hệ đào tạo liên thông ở các cấp học trung cấp và đại học... Nhã nhạc Huế rõ là đã có một môi trường thuận lợi trong việc tổ chức và tạo lập lại các yếu tố cho không gian diễn xướng đích thực của mình.
 
Cồng chiềng Tây Nguyên
Thật ra thì ngay trước khi được công nhận là di văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã có kế hoạch tạo lập một không gian sống trong lòng di tích. Không gian ấy đã được thực hiện trong một quá trình dài hơi với việc đầu tư cho trùng tu, bảo tồn lại Duyệt Thị Đường – nhà hát cung đình tại Đại Nội Huế (sau này Nhã nhạc Huế còn được tổ chức biểu diễn ở Minh Khiêm đường trong khuôn viên lăng Tự Đức). Đó cũng là cái nhìn chiến lược cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trong lòng văn hóa vật thể.
 
Dù còn có khía cạnh này khía cạnh khác và quá trình khôi phục, bảo tồn còn dài với nhiều vấn đề tiếp tục được đặt ra ở phía trước, song đó cũng là một tác động tương hỗ lẫn nhau để cùng được phát huy bản sắc và giá trị độc đáo, riêng có.
 
Khác với Quan họ Bắc Ninh, khác với Ca trù và khác cả với Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, bằng những đặc trưng riêng và những thuận lợi song hành trong quá trình trùng tu, tôn tạo Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế - mà hạt nhân chính là Nhã nhạc cung đình - đã trở thành một đơn vị hoạt động nghệ thuật có nguồn thu và phần nào đó, có thể tự lo cho mình thông qua doanh thu hàng năm.
 
Mặt khác, các kỳ Festival Huế trong những năm qua cũng đã trở thành không gian văn hóa để Nhã nhạc cung đình Huế có thêm cơ hội, điều kiện để thể hiện, quảng bá. Bây giờ, Nhã nhạc cung đình Huế đã bước ra khỏi nơi chốn truyền thống và bước ra khỏi biên giới đất nước để tự tin đứng cạnh âm nhạc cung đình của các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn...
 
Cũng khác với ba di sản văn hóa phi vật thể mà chung tôi đã nêu ở trên, vấn đề của Nhã nhạc không nằm trong việc tạo lập lại không gian văn hóa mà ở việc chuẩn bị các điều kiện cho không gian văn hóa ấy.
 
 
Nhã nhạc Huế biểu diễn cùng dàn nhạc Okinawa
 
Nếu như những vấn đề trong hình thức truyền nghề đang cần phải khẩn trương hơn khi lớp nghệ nhân già đã trở nên quá mỏng; việc đào tạo bài bản hãy còn đặt ra nhiều vấn đề về quy chuẩn; việc sưu tầm lại các bài bản xưa cũng trở nên khó khăn hơn...thì cho đến lúc này, bên cạnh việc tìm, khôi phục lại hệ thống bài bản, phục trang, đạo cụ… điều mà Nhã nhạc cung đình cần chính là đối tượng khán giả biết nghe, chịu nghe và hiểu Nhã nhạc chứ không chỉ để phục vụ khách du lịch một vài lần ghé qua chỉ để cho biết. Đó mới là quá trình dài hơi, lâu bền cho một di sản văn hóa cho chỗ đứng và sức sống của một di sản văn hóa.
 
Việc xác lập và tạo dựng lại không gian văn hóa ở mỗi loại hình di sản văn hóa phi nghệ thuật không thể có mẫu số chung. Tuy nhiên, sự quan tâm thấu đáo, cách đặt vấn đề cho một sự vận hành… chính là yếu tố quyết định về sự trao truyền, tiếp nối và “giữ lửa” cho những di sản đã hoặc vừa được công nhận trong sự chông chênh. Đó cũng là câu chuyện mà chúng tôi muốn đặt ra trong bài viết  này.
 

Hạnh Nhi