Giao dịch tài chính tại ngân hàng 

Thế nhưng có nhiều gói hỗ trợ đến được tay DN rất ít. Ví dụ như gói hỗ trợ lãi suất 2% với 40.000 tỷ đồng. Theo thống kê, từ khi chính sách này ra đời và thực hiện được một năm rưỡi thì gói hỗ trợ này chỉ giải ngân được 1,7% - một con số không đáng kể.

Như vậy, chúng ta thấy, gói hỗ trợ này không giải quyết được những khó khăn của DN, và lẽ tất nhiên là mục tiêu phục hồi và tăng trưởng kinh tế cũng không đạt được. Điều này cần được mổ xẻ để có thể có những gói hỗ trợ khác trong tương lai được thực hiện hiệu quả hơn. Có mấy câu hỏi cần câu trả lời như sau: có phải là DN không cần vốn? Ngân hàng là đơn vị tham gia gói hỗ trợ có vướng mắc gì trong việc giải ngân? Việc thiết kế chính sách có phù hợp với thực tiễn hay không?

Câu hỏi đầu tiên là DN có cần vốn? Câu hỏi này có vẻ như bị thừa. Đã hoạt động kinh tế thì DN nào cũng cần vốn. Nhưng giờ đã có vốn, mà lại là vốn rẻ thì vì sao DN lại không cần? Đến đây thì chúng ta thấy, có vẻ như chính sách khi thiết kế làm cho DN khó tiếp cận, hoặc là không đúng đối tượng, hoặc là những điều kiện ràng buộc quá khó làm cho DN không mặn mà? Rất có thể vấn đề nằm ở chỗ này. DN cần vốn và đủ điều kiện để vay vốn thì không nằm trong diện đối tượng được vay. DN nằm trong diện được vay thì không đủ điều kiện để giải ngân, hoặc lĩnh vực được hỗ trợ nếu được vay thì nằm trong hoàn cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn nên hoạt động sẽ không hiệu quả. Vì vậy mà DN cũng không mặn mà.

Về phía ngân hàng, khi tuyên bố tham gia vào việc giải ngân gói hỗ trợ thì “hùng hồn” nhưng thực chất, khi thực hiện thì cũng không “dại” gì gánh vác những khó khăn. Ví dụ như đơn giản nhất là vì nguồn tiền hỗ trợ là tiền từ ngân sách nên có thể gặp rủi ro khi hậu kiểm. Cho nên ngân hàng tìm cách cho vay ở những lĩnh vực ít khó khăn hơn, ít rủi ro hơn. Giả thuyết này có vẻ đúng khi chúng ta nhìn vào dư nợ tín dụng bất động sản (BĐS) trong 6 tháng đầu năm 2023. Bất chấp thị trường BĐS trầm lắng, nhưng tín dụng BĐS vẫn tăng cao. Con số thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng tín dụng kinh doanh BĐS đến 17,4% so với cuối năm 2022 và chiếm đến 21,63% trong tổng dư nợ tín dụng. Cũng không thể “trách” được ngân hàng vì ngân hàng cũng là DN, mà bản chất của DN là luôn tìm kiếm lợi thế và hiệu quả nhất; rủi ro, phiền hà ít nhất. Chúng ta chưa biết chắc chắn lý do nào là bao trùm, làm cho gói hỗ trợ không đến được tay DN, nhưng đây có thể là những nguyên nhân cần được mổ xẻ.

Dù sao, 9 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế vẫn được đánh giá là tích cực trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, kinh tế thế giới có nhiều biến động, mặc dù chỉ đạt 4,24%. Sự đánh giá tích cực này là do xu hướng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. GDP quý I/2023 chỉ tăng 3,28%, bước sang quý II tăng 4,05% và quý III tăng 5,33%. Nếu gói hỗ trợ lãi suất được giải ngân tốt, có thể nó tham gia một phần để thúc đẩy mức tăng trưởng cao hơn.

Bài: Nguyên Lê - Ảnh: Hoàng Loan