Anh Châu chọn câu cá ong ven bờ 

Hết bủa lưới gần bờ, anh Võ Châu ở xã Phong Hải (Phong Điền) lại câu cá ven bờ. Hầu như ngày nào anh cũng câu được trên 5kg cá ong biển. Mùa này cá biển khan hiếm, lại tươi ngon nên bán được giá. Ngoài câu kiếm cá ăn, mỗi ngày anh Châu có thu nhập vài trăm ngàn đồng.

Anh Châu bảo, sau những ngày biển động, các loài cá ong, đối, buôi… vào gần bờ khá nhiều. Đứng ở trên bờ dùng cần câu cá không nguy hiểm như dùng ghe ra biển bủa lưới, giăng câu. Dụng cụ, bộ nghề câu cá cũng đơn giản, chỉ một cần câu bằng tre, ống cước, vài chục lưỡi câu… trị giá vài trăm ngàn đồng.

Không phải ai cũng câu cá ven bờ mà thường dùng thuyền bủa lưới có nhiều cá hơn. Mỗi chuyến biển sau những ngày biển động mạnh thường thu về hàng chục kg cá các loại, thu nhập vài triệu đồng. Bủa nhiều ngày liên tục có thể thu nhập cả chục triệu đến vài chục triệu đồng.

Để có những chuyến biển thu về tiền triệu không hề đơn giản. Thời điểm này con nước lớn ròng bất thường và chưa thật sự “yên lặng” nên việc xuôi thuyền ra biển rất khó khăn và nguy hiểm. Mỗi lần “hầu sóng” để được ra biển phải mất cả giờ đồng hồ. Có thuyền “hầu sóng” mãi vẫn không ra được biển, phải đưa thuyền ngược lên bờ. Nhiều thuyền không may bị đánh chìm khi gặp những con sóng dữ.

Thành quả một chuyến câu cá ong lúc chiều tối 

Lớn lên và gắn bó với miền biển từ mấy chục năm nay, anh Võ Châu từng chứng kiến nhiều cảnh, nguy hiểm rình rập mỗi khi ngư dân khai thác hải sản vùng ven bờ mùa biển động. Mỗi lần chìm xuồng, ngư dân đều chú trọng bảo vệ tính mạng, mặc cho chiếc thuyền nan là vốn tài sản quý của mình bị sóng đánh tan tành, hư hỏng lưới cụ thiệt hại hàng chục triệu đến cả trăm triệu đồng.

Điều đáng mừng từ trước đến nay, hoạt động khai thác gần bờ bằng thuyền tại các địa phương vùng biển Ngũ Điền nói chung, Phong Hải nói riêng chưa để thiệt hại tính mạng. Qua những lần “hầu sóng” cũng cho thấy tinh thần đoàn kết, đùm bọc, hỗ trợ lẫn nhau trong lúc hoạn nạn rất cao.

Cứ mỗi chiếc thuyền “hầu sóng” ra khơi là phía trên bờ tụ tập hàng chục, có khi cả trăm người sẵn sàng ứng cứu khi có thuyền gặp nạn. Khi tất cả các thuyền ra khỏi những con sóng bạc đầu thì ngư dân trên bờ mới giải tán. Và họ canh giờ để tiếp tục ra bãi biển chờ thuyền vào bờ, hỗ trợ đưa thuyền lên bờ, đặc biệt là ứng cứu khi gặp nạn, sự cố chìm xuồng do sóng đánh.

Nguy hiểm hơn là nghề “chạy vét ven bờ” bủa cá buôi, cá đối. Nghề này thường phát ít nhất hai người, một người đứng trên bờ hỗ trợ, còn người kia phải bơi ra xa để bủa lưới cá buôi, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nghề này một thời rất phổ biến, nay đã ít dần vì nguy hiểm. Tại xã Phong Hải cách đây mấy năm từng xảy ra vụ chết đuối do sóng cuốn trôi đang lúc bủa cá buôi mùa biển động.

Theo anh Võ Châu, sau mỗi đợt biển động mạnh thì nguồn lợi hải sản gần bờ thường dồi dào. Đây là cơ hội mưu sinh cho ngư dân vùng ven biển. Và hầu như nghề đánh bắt hải sản gần bờ nào cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Vậy nên, ngư dân phải hết sức cảnh giác, chủ động ứng phó mỗi khi đánh bắt hải sản gần bờ.

Bủa cá buôi, bủa lưới ven bờ, ngư dân đều phải mặc áo phao kèm theo phao tròn và đi theo nhóm đông người để có sự hỗ trợ lẫn nhau khi gặp sự cố. Đặc biệt, khi cảm thấy biển chưa thật sự an toàn để hoạt động khai thác hải sản thì không nên mạo hiểm cho thuyền ra khơi. Cả nghề “kéo vét”, “lưới buôi” gần bờ càng phải cần thận trọng.

Chủ tịch UBND xã Phong Hải (Phong Điền), ông Hoàng Văn Sửu chia sẻ, chính quyền địa phương luôn cử cán bộ phụ trách các thôn, phối hợp với các thôn trưởng quan tâm các hoạt động khai thác hải sản của ngư dân mùa biển động. Dù sau biển động, nhưng sóng biển chưa thật sự an toàn, địa phương tuyệt đối không cho phép người dân đi biển. Các nghề câu cá, “kéo vét” sát bờ được khuyến khích, nhưng khuyến cáo ngư dân phải cảnh giác, đảm bảo an toàn tính mạng.

Bài, ảnh: Hoàng Thế