Hội Doanh nhân nữ thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối giúp các thành viên mở rộng thị trường |
Thương hiệu Mộc An ra đời, giúp NDN Hoàng Thị Cẩm Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp xanh Mộc An đạt ước mơ đem đến tay người tiêu dùng những sản phẩm từ các loại hạt chất lượng. Dự án “Ngũ cốc Mộc An hành trình để phát triển bền vững” của chị vừa đạt giải khuyến khích cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 cấp vùng miền Trung do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
Thỏa ước mơ đó, NDN trẻ Cẩm Nhung trải qua không ít khó khăn. “Xuất phát từ giáo viên dạy văn, nên khi sáng lập ra thương hiệu ngũ cốc Mộc An, ngoài đam mê tôi không có gì, từ vốn, chuyên môn đến kinh nghiệm”, Nhung chia sẻ. Chị mạnh dạn bước những bước đi đầu tiên từ nghiên cứu nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến, bao bì đóng gói, tiếp cận thị trường... Theo chị, sản xuất bột ngũ cốc không khó, nhưng để cho ra đời những dòng sản phẩm từ các loại hạt có đặc trưng riêng, đủ sức cạnh tranh thị trường lại không hề dễ. Để đảm bảo sản phẩm ngũ cốc có được từ những loại hạt căng tròn, đạt độ dinh dưỡng cao, chị Cẩm Nhung đã đi vào từng người dân kiểm tra thổ nhưỡng, đặt trồng, cam kết bao tiêu nguyên liệu theo hướng an toàn. “Bản thân tôi phải thử đi thử lại rất nhiều lần các công đoạn từ độ chín của hạt đến độ mịn, độ thơm của bột, tỷ lệ dinh dưỡng phù hợp cho từng lứa tuổi từ trẻ em, phụ nữ mang thai, người già… trước khi cho ra đời sản phẩm mới”, chị Nhung nói.
Cùng với đó là chiến lược tiếp cận khách hàng. Chị Nhung quan niệm sản phẩm tốt bao nhiêu nếu không tiếp cận được khách hàng cũng rất khó mở rộng thị trường. Đó là lý do chị áp dụng xu thế tiếp cận khách hàng theo hướng đa kênh. Nhung chủ động tham gia các khóa học bán hàng và triển khai bán hàng trên các kênh mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, đưa sản phẩm lên facebook, zalo, shoppe, lazada, tham gia nhiều hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm. “Tôi tận dụng mọi cơ hội dù nhỏ để giới thiệu sản phẩm, gom ít thành nhiều, hiện thị trường của tôi đã có khắp các tỉnh, thành trong cả nước”, Nhung cho biết.
Trái với vẻ ngoài nhỏ nhắn, NDN Dương Thị Thúy Hằng, Giám đốc Công ty CP Phát triển dịch vụ du lịch Sen Huế (Hue Lotus Homestay) khiến người đối diện khâm phục với phương châm chỉ tiến không lùi. Chứng kiến Hue Lotus Homestay đang từng ngày lấy lại đà tăng trưởng sau dịch COVID-19, NDN Dương Thị Thúy Hằng thở phào nhẹ nhõm. Chị kể, dự án “Hue Lotus homestay” là đứa con tinh thần có được kết tinh từ tình yêu và niềm đam mê kinh doanh du lịch trải nghiệm. Gầy dựng nó, chị chấp nhận đánh đổi nghề nghiệp và thu nhập đang ổn định. Hue Lotus homestay tập trung khai thác không gian văn hóa nhà vườn Huế, trải nghiệm nghề truyền thống địa phương và ẩm thực Huế. Ngoài các đơn vị lữ hành đưa khách trong và ngoài nước đến lưu trú, tham quan và trải nghiệm, Hue Lotus Homestay còn kết nối, hợp tác với các trường học, trường mầm non, trung tâm Anh ngữ để học sinh đến vui chơi, trải nghiệm; qua đó lồng ghép việc giáo dục, rèn luyện nhiều kỹ năng trong cuộc sống. Dự án của chị từng đạt giải Nhất cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” của Hội LHPN tỉnh và giải Ba cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” của UBND tỉnh.
Nữ doanh nhân Hoàng Thị Cẩm Nhung đưa sản phẩm của công ty tham gia hội chợ triển lãm |
Dự án đang vào độ chín, bỗng gặp dịch COVID-19. Mọi thứ bị ngưng trệ, doanh thu không có, nhưng chi phí lại quá nhiều, công ty rơi vào khủng hoảng. Không buông xuôi, NDN nhanh ý chuyển đổi sang mô hình cà phê trải nghiệm. “Với lợi thế không gian rộng lớn và nhiều cây xanh, phù hợp chống dịch lúc đó nên mô hình vẫn thu hút được khách. Nhờ đó, tôi đã có kinh phí cầm cự. Hiện tại, lượng khách đã tăng trở lại, tôi đang tiếp tục đầu tư, mở rộng dự án để du khách có thêm nhiều trải nghiệm thú vị hơn nữa”, chị Hằng cho biết.
Chị Hằng quan niệm, trong kinh doanh, nam nữ đều có những khó khăn và lợi thế riêng. Điều quan trọng, nếu đầu tư kinh doanh lĩnh vực yêu thích sẽ có những thuận lợi hơn. “Đơn cử từ tôi, đã có lúc tôi gặp khó khăn tưởng như không vượt qua, nhưng vì đam mê, tôi như được tiếp sức mạnh. Tôi luôn có ý tưởng làm mới cho dự án của mình”, chị Hằng chia sẻ.
Trên đây là hai trong nhiều NDN trên địa bàn tỉnh có bản lĩnh, tinh thần dám nghĩ, dám làm mà chúng tôi có dịp gặp trò chuyện. Theo thống kê, trong khoảng 6.000 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh hiện nay, có gần 30% DN nữ và hộ kinh doanh cá thể do phụ nữ làm chủ. Trong điều hành DN, họ luôn năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, tranh thủ nắm bắt thời cơ, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế.
Nhiều NDN, nữ chủ hộ kinh doanh của tỉnh được Hội LHPN Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Hiệp hội DN tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tặng bằng, giấy khen và các danh hiệu cao quý như: Cúp Bông hồng vàng, Cúp vàng doanh nhân, Doanh nhân tiêu biểu, Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước...