Thuốc lá điện tử nhiều hương liệu khiến giới trẻ tò mò, dễ bị rủ rê dùng thử. Ảnh: Công an tỉnh 

Vụ việc học sinh lớp 4 tại một trường tiểu học ở TP. Huế bị ngộ độc nicotin do dùng thử thuốc lá điện tử (TLĐT) mới đây khiến những người làm cha mẹ âu lo.

TLĐT ngoài nicotin còn được phối trộn hơn 15.000 hương liệu khác nhau, rất khó xác định. Chỉ riêng chất nicotine đã có khả năng gây nghiện. Còn các phụ gia, hương liệu thì càng khó kiểm soát hơn. Trên thị trường, lực lượng chức năng đã phát hiện một số loại TLĐT trộn các loại ma túy thế hệ mới gây ảnh hưởng đến thần kinh, nhất là độ tuổi đang trong giai đoạn phát triển thể chất và trí não.

TLĐT gây tổn thương thần kinh cấp tính. Biểu hiện rõ nhất là bệnh nhân mệt mỏi, tay chân run rẩy, tức ngực khó thở. Đặc biệt khi thần kinh bị kích thích, bệnh nhân sẽ nói nhảm, đau đầu, la hét. Nếu tình trạng ngộ độc kéo dài sẽ gây tổn thương đến hệ thần kinh. Có trường hợp điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng ngộ độc nicotin bị tai nạn trên đường về nhà.

ThS.BS. Trương Viết Hoàng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, khoa từng tiếp nhận một số ca ngộ độc nicotin do TLĐT ở lứa tuổi vị thành niên. Phần lớn bệnh nhân được bạn bè đưa vào cấp cứu. Để khai thác việc sử dụng chất gây nghiện và nguyên nhân dẫn đến triệu chứng bệnh, các bác sĩ phải kiên nhẫn trò chuyện cùng người bệnh, bạn bè của các em.

“Từng có học sinh 17 tuổi nhập viện khai rằng, cơn đau tức ngực của em kéo dài hơn một tháng qua. Điều đó cho thấy em đã sử dụng TLĐT liên tục nhưng không phát hiện ra mình bị ngộ độc nicotin. Em học sinh này kể, dù biết dùng TLĐT không tốt song do sự quyến rũ của các loại hương liệu mới từ thuốc và lời mời gọi, rủ rê từ bạn bè nên càng ngày em càng lấn sâu”, BS Hoàng nói.

Ngộ độc cấp tính do TLĐT có thể khiến bệnh nhân gặp di chứng về thần kinh. Trong trường hợp nhẹ thì ảnh hưởng đến khả năng vận động; nặng hơn có thể gây suy tim, rối loạn tâm thần, hoang tưởng… Theo các chuyên gia, tuổi càng nhỏ thì tình trạng tổn thương não do ngộ độc nicotin sẽ khó hồi phục. Nghiện TLĐT lâu dài ngoài hệ quả ảnh hưởng đến hệ thần kinh lâu dài còn có thể gây ra các căn bệnh mới như tổn thương phổi cấp. Căn bệnh do thuốc lá điện tử này chưa được đề cập trong y văn, gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị.

Hệ quả từ TLĐT gây ra không hề nhỏ, bên cạnh hậu quả nặng nề về sức khỏe, đây cũng là con đường dẫn dụ giới trẻ tiếp cận, sử dụng loại ma túy tổng hợp. Do đó, việc theo sát con, quan tâm đầy đủ sẽ giúp phát hiện sớm, ngăn chặn cũng như điều trị nghiện chất do TLĐT.

Tại hội thảo khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh 13-15 tuổi tại Việt Nam năm 2022, tỷ lệ học sinh sử dụng TLĐT đã gia tăng đáng kể, từ 2,6% năm 2019 lên 3,5% năm 2022. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam hiện nằm trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao trên thế giới, cùng với Ấn Độ và Trung Quốc. Trên thị trường Việt Nam còn xuất hiện một số sản phẩm thuốc lá mới, phổ biến nhất là TLĐT, thuốc lá nung nóng, shisha… Các sản phẩm thuốc lá mới này gây hại cho người hút và người xung quanh.

Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 đặt mục tiêu chung là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá. Phấn đấu đến năm 2030, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%. Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 25%; tại nhà hàng xuống dưới 65%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 70%, tại khách sạn xuống dưới 50%... Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội cần phối hợp, quyết tâm thực hiện ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong thanh, thiếu niên, qua đó cũng trực tiếp hạn chế nguy cơ sử dụng các chất kích thích khác, các chất ma túy thông qua hình thức này.

LINH TUỆ