Một góc xóm Đảo 5 ngày chưa hết lũ lụt 

“Ốc đảo” 5 ngày chưa hết lụt

Sau cơn mưa “dội bùn” rốn lũ làng Thủ Lễ 2, xã Quảng Phước có chút thời gian tạnh ráo. Tranh thủ quãng thời gian này, những thanh niên sinh sống ở xóm Đảo, làng Thủ Lễ 2 chèo ghe chở bà con lội qua sông Diên Hồng ra chợ Sịa mua thức ăn dự trữ cho những ngày mưa lớn sắp tới. Với người dân xóm Đảo, việc lội lụt, đi lại vất vả trong lũ là một câu chuyện kéo dài từ mùa mưa này sang mùa lũ khác. Dù cuộc sống người dân vùng “rốn lũ” bị đảo lộn, nhưng khi hỏi thăm bà con mọi người vẫn gật đầu nói nhỏ mà người viết nghe quặn lòng: “Biết mần răng chừ”.

Đang loay hoay dội bùn non ra khỏi nhà, khi chúng tôi ghé thăm ông Nguyễn Dẫn (76 tuổi) ngưng tay, kêu đứa cháu cạnh nhà lội nước đến kê cao tủ quần áo quần, rồi dắt hai chiếc xe đạp cà tàng đặt an toàn lên chiếc giường cũ kỹ. Thấy lạ tôi hỏi ông Dẫn sao nước lũ ra sân rồi mà bác còn kêu cháu đến dắt xe đưa lên cao hơn? Ông Dẫn cười hiền: “Chú về đây sống mới biết hết nỗi khổ cực của dân xóm Đảo tui. Mỗi năm lụt có khi đến cả tháng. Dân khổ quen rồi. Không đưa xe, áo quần, gạo cơm, mỳ tôm lên cao nửa đêm nước sông Diên Hồng lên cao hai thân già không lo nổi, lúc đó gọi hàng xóm cũng làm phiền bà con. Thôi thì tranh thủ trời tạnh mình kê cao hơn cho chắc ăn, lỡ nước lên cao lại cũng an toàn”.

 Mấy ngày nước ngập cao trong nhà chỉ còn 2 ông bà già ở với nhau do con cháu đi làm ăn xa nên cuộc sống vốn đã khó khăn nay về mùa lũ về càng vất vả hơn. “Năm nào cũng vậy, cứ mùa mưa lũ là nước lại ngập vào nhà vì khu này thấp nhất khu vực Sịa. Đặc biệt năm 1999, nước lũ dâng cao ngập gần hết nhà, cả gia đình đã phải dỡ mái chui lên nóc rồi được chính quyền xã về “giải cứu” đưa đến chỗ an toàn”, ông Dẫn kể.

Vợ chồng ông Nguyễn Dẫn (76 tuổi) và bà Hồ Thị Bé (78 tuổi) ở ngôi nhà ngập lụt 

Sát bên nhà ông Dẫn là hộ gia đình ông Nguyễn Lợi (59 tuổi) thuộc diện đối tượng hộ nghèo bảo trợ xã hội. Bản thân ông Lợi và người con gái đầu lòng - Nguyễn Thị Thanh (21 tuổi) bị mù bẩm sinh. Chị Thanh còn bị khuyết tật tay. Bà Hồ Thị Bầm (59 tuổi, vợ ông Lợi) cũng vừa mổ mắt, hiện 1 mắt sáng, 1 mắt mờ. Trong đợt mưa lũ vừa qua, nhà của gia đình ông Lợi do ở vị trí thấp nên cũng bị nước tràn vào. “Mấy hôm nay nhà còn chi ăn đó, thấy gia cảnh thương tâm nên bà con lối xóm chèo ghe tới người thương tặng ổ bánh mỳ, người quý cho chục gói mỳ tôm nên ngày lũ cũng cảm thấy ấm tình chú ơi. Năm ni nước lên chậm đó, chứ năm 2020, tôi ngủ trưa một lúc, mở mắt nước đã ngập quá giường. Hồi đó, bộ đội phải vào dọn giúp đồ, cả nhà được chuyển vào trường học để tránh lũ”, ánh mắt đượm buồn ông Lợi kể.

Do nằm trong diện hộ nghèo đặc biệt nên gần 3 năm nay, gia đình ông Lợi được hỗ trợ ngôi nhà an toàn thông qua dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam”, do Chính phủ Việt Nam, Quỹ Khí hậu xanh và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tài trợ vào năm 2020. “Những năm trước khi chưa có ngôi nhà an toàn này, cứ mỗi khi xảy ra mưa, bão, lũ lụt là cả nhà ông Lợi lại phải khăn gói áo quần để sơ tán đến nơi cao ráo ở tạm. Từ khi được nhà nước hỗ trợ, bà con giúp đỡ xây nhà này cả gia đình ông Lợi đã bớt khổ hơn mỗi khi mưa lũ kéo dài ngày.

Biết khi mô hết lụt?

Đó là câu cửa miệng mà người dân xóm Đảo nói hôm chúng tôi về thăm bà con vùng rốn lũ. Cả xóm hiện có 52 hộ dân/221 nhân khẩu vẫn đang còn ngập sâu sau đợt mưa lũ kéo dài, tại xã Quảng Phước hiện vẫn còn nhiều điểm chia cắt bởi nước lũ. Cụ thể tại con đường WB2 nối trung tâm xã với các thôn Mai Dương, Lâm Lý vẫn còn ngập từ 20 - 30cm. Nhiều học sinh sinh sống ở vùng trũng này chưa thể trở lại trường học do tuyến đường duy nhất bị ngập, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, toàn bộ 476 hộ dân/1.961 nhân khẩu của 2 thôn này bị cô lập hoàn toàn. Bên cạnh đó, do đoạn đường đê Thủ Lễ 3 hiện vẫn còn ngập sâu gần 1m nên việc kết nối với 459 hộ dân/1.820 nhân khẩu thôn Thủ Lễ 3 cũng gặp nhiều khó khăn. “Nước tại các khu dân cư thì đã rút hết, nhưng những tuyến đường giao thông kết nối thì vẫn còn ngập sâu nên gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại, mua sắm lương thực, thực phẩm”, Trung tá Trương Anh - Trưởng Công an xã Quảng Phước thông tin.

Đứng giữa sân nhà đang còn ngập nước bà Hồ Thị Bầm (59 tuổi, vợ ông Lợi) hì hụi cậy xi măng bám vào thùng phi dùng đựng nước mưa. Tiết kiệm nước sạch là giải pháp hàng đầu để người xóm Đảo thích nghi với mưa lũ. Bà Bầm cho biết, chưa tới mùa nước lũ lớn bà đã chuẩn bị sẵn lọ thuốc ngứa. "Tối nào cũng bôi, nhưng chân vẫn loét", bà nói, chìa bàn chân trắng nhợt vì ngâm lâu trong nước.

Lãnh đạo xã Quảng Phước cho biết, để đảm bảo người dân không phải chịu cảnh ngập úng, phương án tối ưu nhất là di dân ra khỏi vùng thấp trũng, ngập lũ. Muốn di dân ra khỏi khu vực này, cần xây dựng được vùng chuyển dân. Dù vậy, việc di dân không phải đơn giản, ngoài việc bố trí chỗ ở còn liên quan đến phong tục tập quán, nhu cầu sản xuất... Trong khi đó nhu cầu cấp đất tái định cư cho người dân vùng lũ ở xóm Đảo vượt quá khả năng của xã.

 

Bài, ảnh: HỒ NGỌC MINH