Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đang được các ngân hàng điều chỉnh theo đúng lộ trình. Ảnh: THẢO LY |
Đi đúng lộ trình
Theo đúng lộ trình của Thông tư 08/2020 của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn đến ngày 1/10/2023 sẽ còn 30%. Tuy nhiên, ngay những tháng trước khi thông tư có hiệu lực, tỷ lệ vốn này đã được các ngân hàng điều chỉnh theo đúng lộ trình đặt ra.
Số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của toàn hệ thống ngân hàng từ đầu năm đến nay chỉ quanh mức từ 25 - 26%, luôn thấp hơn quy định. Cụ thể trong tháng 7/2023, các ngân hàng đều đáp ứng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn là 26,14%. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước con số này còn thấp hơn mức trung bình, cụ thể, Agribank duy trì ở mức 25%, Vietinbank là 26%, 22% là con số của BIDV, còn Vietcombank con số này chỉ 8%. Với các ngân hàng thương mại cổ phần tỷ lệ này vẫn cao, tuy nhiên trên tỷ lệ tối đa 30% thì rất ít.
Việc điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của toàn hệ thống ngân hàng khiến các nhà đầu tư, người dân tỏ ra khá lo lắng, bởi không ít người vẫn ưu tiên lựa chọn vay trung và dài hạn để giảm áp lực trả gốc, lãi; chủ động hơn trong các kế hoạch tài chính của mình.
Chị Nguyễn Anh Như, TP. Huế chia sẻ, khi nghe thông tin các ngân hàng giảm tỷ lệ cho vay trung, dài hạn, mình cũng rất lo. Bởi sắp tới, mình dự định sẽ tiếp cận vốn để đầu tư xây dựng nhà ở, với đồng lương của công chức thì việc kéo dài thời gian vay từ 10 đến 15 năm, gia đình mình mới có thể đáp ứng được nhu cầu trả nợ. Nếu rút ngắn thời gian trả gốc, lãi, mình sợ vợ chồng mình không kham nổi. Dù chưa tìm hiểu kỹ tại ngân hàng dự định vay, song mình vẫn hy vọng sẽ không gặp khó khăn khi tiếp cận vốn vay dài hạn sau này.
Thực tế, tùy thuộc vào nhu cầu vay vốn mà khách hàng có thể tiếp cận vốn ngắn hạn hay trung và dài hạn phục vụ cho các nhu cầu khác nhau.
Đảm bảo an toàn hệ thống là ưu tiên hàng đầu
Hiện, các ngân hàng đang áp dụng lãi suất vay ngắn hạn ở mức khoảng 5,5-7%/năm, trong khi cho vay trung, dài hạn lãi suất giao động ở mức 8,5-11%/năm. Vì thế, nếu có khả năng thu hồi vốn và quay vòng vốn nhanh thì việc tiếp cận với vốn vay ngắn hạn sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn, như lãi suất áp dụng sẽ thấp hơn. Còn nếu khả năng quay vòng vốn chậm hay khoản vay phục vụ cho mục đích dài hạn thì doanh nghiệp sẽ ưu tiên vay trung và dài hạn hơn để giảm áp lực trả nợ.
Các ngân hàng đang có rất nhiều giải pháp cân đối các khoản vay trung và dài hạn cũng như tăng cường các nguồn vốn huy động dài hạn nên chỉ tiêu cho phép 30% vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn sẽ không gây quá nhiều áp lực cho người dân, doanh nghiệp là kỳ vọng của ông Trần Minh Đức, Giám đốc Công ty CP Hồng Đức.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho rằng, cho phép 30% vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn được cho là con số góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Theo ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, bản chất ngân hàng không phải là thị trường cho vay trung và dài hạn, mà kênh huy động trung và dài hạn của doanh nghiệp nằm ở các ngành khác như phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp.
Thêm nữa, nguồn vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn. Hiện, tiền gửi ngắn hạn dưới 1 năm (chủ yếu dưới 3 tháng) chiếm trên 80% tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng. Như vậy, phần lớn lượng tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tại ngân hàng đều có thời gian đến hạn rất ngắn. Nếu sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn này cho vay trung và dài hạn quá lớn sẽ tạo nên chênh lệch lớn giữa huy động ngắn hạn và cho vay trung và dài hạn gây rủi ro thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
Vì thế ngoài việc các ngân hàng tăng cường các giải pháp huy động vốn dài hạn phục vụ cho vay trung và dài hạn như ưu đãi lãi suất, quà tặng... Thì bản thân doanh nghiệp cũng cần đa dạng kênh huy động vốn từ các định chế tài chính khác để không phụ thuộc vốn trung và dài hạn vào hệ thống ngân hàng. Muốn làm được điều này, doanh nghiệp phải nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và cả trong công tác quản trị tài chính, quản trị doanh nghiệp…, ông Lê Việt Sỹ nói.