Việt Nam và Singapore đang tăng cường hợp tác trong đa dạng các lĩnh vực. Ảnh minh hoạ: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam |
Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam Goh Keng Phang nhận xét, Singapore và Việt Nam có thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như sản xuất và hậu cần, khi cả hai nước đều tìm cách đạt được những bước tiến xa hơn trong mối quan hệ kinh tế song phương.
Phát biểu được vị cố vấn đưa ra tại phiên họp toàn thể trong một hội nghị kinh doanh vừa diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện này được tổ chức bởi nền tảng ngoại giao văn hoá Spotlight Singapore với mục đích kết nối các doanh nhân giữa Singapore và các nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu thế giới thông qua nghệ thuật và văn hoá.
Hội nghị năm nay được tổ chức tại Việt Nam nhằm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, cũng như 10 năm Quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Singapore và Việt Nam.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Cấp cao phụ trách về Nhân lực và Quốc phòng Singapore Zaqy Mohamad nhận định: “Kết quả quan trọng từ cam kết 50/10 của chúng tôi là cả hai nước hiện đang khai phá khả năng nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược hiện tại lên thành mối Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Điều này biểu thị mức độ hợp tác sâu sắc hơn nhiều giữa Việt Nam và Singapore”.
Được biết, các khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) là “kết quả khả thi” nhất của hợp tác kinh tế song phương giữa hai nước, trong đó các khu công nghiệp đã tạo ra gần 300.000 việc làm và hơn 18 tỷ USD vốn đầu tư.
Ngoài sản xuất, Singapore có thể hợp tác với Việt Nam để giúp giảm chi phí hậu cận và cải thiện khả năng cạnh tranh kinh tế.
Theo ghi nhận, chi phí hậu cần của Việt Nam chiếm khoảng 17% - 18% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tỷ lệ này được coi là cao hơn nhiều so với các nền kinh tế có “cấu hình” tương tự.
Nhu cầu quản lý chuỗi cung ứng tốt hơn xuất hiện khi Việt Nam đang tăng cường sản lượng sản xuất trong những năm gần đây.
Trong một diễn biến có liên quan, các diễn giả tại hội nghị cũng cho biết, họ nhìn thấy cơ hội hợp tác để Singapore và Việt Nam tăng cường kết nối và phối hợp trong các lĩnh vực mới nổi của nền kinh tế kỹ thuật số và nền kinh tế xanh. Cụ thể, tồn tại nhiều hướng đi để hai nước hợp tác và trao đổi kinh nghiệm, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam “tăng chuỗi giá trị, tìm kiếm sự đổi mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hướng tới tương lai phát thải ròng bằng 0”.
Theo khảo sát và ghi nhận, thị trường Công nghệ Thông tin – Truyền thông (CNTT -TT) của Việt Nam đã và đang phát triển nhanh chóng trong vài năm qua, với doanh thu từ lĩnh vực CNTT – TT này đạt 148 tỷ USD vào năm 2022, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2021. Đó là xu hướng đang nổi lên và được nhận định là sẽ còn tiếp tục trong nhiều năm nữa, bởi chính phủ đang thúc đẩy và hỗ trợ nhiều doanh nghiệp hơn hướng tới chuyển đổi kỹ thuật số.
Trước bối cảnh này, sự hợp tác giữa Singapore và Việt Nam càng quan trọng hơn, vì quá trình chuyển đổi sang một khu vực có khả năng tương tác kỹ thuật số và phát thải ròng bằng 0 sẽ là “không đơn giản”.
Có thể nói rằng có nhiều điều vẫn chưa biết được. Do đó, chính phủ và doanh nghiệp phải cùng nhau tạo ra các giải pháp để nắm bắt cơ hội từ những động cơ tăng trưởng mới này.