Cảnh thường ngày ở các gác chắn đường sắt. |
Hội nghị xong đã cuối giờ chiều, lái xe chở tôi về lại cơ quan theo đường Đống Đa, hướng từ nhà hát lớn lên phía Nguyễn Huệ. Vừa qua khỏi cụm tín hiệu giao thông ở giao lộ Đống Đa-Hai Bà Trưng-Nguyễn Huệ, bạn lái xe bảo tôi: “Đó đó…, anh xem kìa…”. Theo hướng chỉ, tôi thấy một nhóm thiếu niên cỡ 16, 17 tuổi, cứ 2 chàng 1 cặp đèo nhau trên những chiếc xe máy, chẳng mũ bảo hiểm, chẳng quan tâm đèn đỏ đèn xanh, cứ vậy mà phóng, mà lách bất chấp nút giao thông đang nhộn nhịp vào giờ cao điểm. Rồi khi “thoát” khỏi nút giao, các chàng rồ máy tăng tốc lao đi như đang ở trên đường đua khiến ai cũng lắc đầu ngán ngẩm.
“Toàn là học sinh hết đó anh, mà cứ thấy vậy hoài. Không hiểu sao người ta không trích xuất camera mà xử lý, vừa để tránh họa cho người đi đường mà cũng là tránh họa cho tụi nó.”-Bạn lái xe cơ quan tôi bày tỏ.
Đúng như bác tài nhận xét, nhìn tướng tá thì toàn là học sinh cả, chỉ không biết là học sinh trường nào vì không thấy mặc đồng phục. Phóng xe bạt mạng kiểu ấy, sớm muộn rồi cũng vô nhà thương hoặc thẳng về… nghĩa địa. Không oan, chỉ sợ oan cho người tham gia giao thông bị lũ nhóc này đâm phải mà thôi. Các bậc phụ huynh đôi lúc ở nhà, đâu biết con cái của mình ra đường xe pháo ba trợn như vậy. Đến khi sự cố nếu xảy ra, lúc đó mới tá hỏa. Nhưng có tá hỏa thì sự cũng đã rồi. Hậu quả sau sự cố có khi là gánh nặng suốt cả đời cho gia đình chứ không chỉ cho riêng bản thân cậu nhóc nào đó. Vậy nên, tôi rất đồng tình với bạn lái xe cơ quan tôi, rằng phải quan tâm xử lý, ngay tại hiện trường hoặc trích xuất camera cũng được; động tác này trước hết nhằm bảo vệ cho người đi đường được an toàn, nhưng quan trọng nữa cũng chính là giúp cho mấy gã choai choai đó cùng gia đình họ tránh được cái viễn cảnh đầy u ám có thể thấy trước từ bây giờ.
Biển cấm đã..."chua" thêm chữ, xe vẫn điềm nhiên vi phạm (!) |
Nhân nói chuyện trích xuất camera, bỗng nghĩ Huế mình những năm gần đây hệ thống camera giám sát được lắp đặt khá nhiều, chưa kể camera của công sở, tư gia…Nếu quan tâm trích xuất để xử lý “nguội” những vi phạm, tồn tại trên địa bàn như nạn xả rác, phóng uế bừa bãi, trộm cắp vặt, vi phạm an toàn giao thông, trật tự đô thị… thì hiệu quả sẽ được phát huy rất tích cực. Đơn cử như chuyện dừng xe tại các gác chắn khi chờ tàu hỏa đi qua thôi, đường đã được phân làn rất rõ ràng, thậm chí có nhiều điểm còn thiết kế cả hệ thống cọc tiêu làm giải phân cách, vậy nhưng rất nhiều người đi xe máy cứ phải cho xe đứng chờ tràn hết cả làn bên trái. Đến khi tàu đi qua, gác chắn giở lên thì xảy ra xung đột giao thông, 2 dòng xe đối đầu nhau, ùn ứ hỗn độn, vừa mất an toàn vừa mất thời gian, thật vô lý! Hoặc là, tại những vị trí có đèn tín hiệu giao thông cho phép rẽ phải khi đèn đỏ, nhưng làn rẽ phải thường bị xe cộ phía trước chắn hết lối nên dù cho rẽ cũng như không… Để ý thấy đó đều là những vị trí có camera giám sát, song có lẽ rất ít được để mắt truy xuất, xử lý, nên người ta sinh nhờn.
Dừng kiểu này, xe sau làm sao rẽ phải? |
Lâu nay vẫn thường nghe “tăng cường giáo dục, tuyên truyền”, nhưng trong rất nhiều chuyện, như chấp hành luật lệ giao thông, bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích, phòng chống tác hại thuốc lá v.v… công tác tuyên truyền, giáo dục đã được tiến hành thường xuyên, liên tục, đa dạng. Thế nhưng, vi phạm vẫn cứ hoàn vi phạm. Ngẫm lại, trăm sự đều do…chưa phạt mà ra. Còn hễ đã phạt, là biến chuyển ngay. Như chuyện đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, gần đây và đang tiếp tục là chuyện uống rượu bia mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông, phạt, phạt nặng và phạt riết, không loại trừ bất kể ai, ý thức chuyển biến thấy rõ. Vậy cho nên, trích xuất camera để phạt nguội, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ với tuần tra kiểm soát, xử lý tại trận là những động thái rất cần thiết, rất đáng được hoan nghênh ủng hộ vì sự an toàn, văn minh của xã hội.