Ông Phạm Bá Nam trao đổi cùng doanh nghiệp tại buổi gặp mặt doanh nghiệp 

Mối quan hệ cộng sinh

Nguồn vốn được cho là vấn đề sống còn của doanh nghiệp, cho vay là hoạt động huyết mạch của ngân hàng. Khách hàng chủ yếu của ngân hàng là doanh nghiệp. Vì thế, mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp chính là mối quan hệ "cộng sinh" cùng có lợi. Điều này, đòi hỏi cả 2 bên phải được thực hiện theo cơ chế thị trường trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Mối quan hệ cộng sinh này được thể hiện rõ nhất trong những năm dịch bùng phát, giai đoạn khôi phục và phát triển kinh tế như hiện nay. Các điều kiện bất lợi từ bối cảnh thế giới, ảnh hưởng của dịch đã tác động tiêu cực khiến cho các doanh nghiệp liên tục đối mặt với những khó khăn, thách thức, ảnh hưởng nặng nề tới tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống người lao động. Nhiều doanh nghiệp đối diện với nguy cơ phá sản hoặc tạm ngưng hoạt động. Tổng số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, giải thể đã cao hơn so với số doanh nghiệp thành lập mới. Cụ thể, 9 tháng đầu năm toàn tỉnh có 527 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 3.626 tỷ đồng, giảm 15,4% về lượng và giảm 33,7% về vốn so với cùng kỳ. Trong khi số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động là 459 doanh nghiệp; số doanh nghiệp giải thể tự nguyện 94 doanh nghiệp; giải thể theo quyết định thu hồi là 184 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng đến kỳ trả nợ gốc và lãi, nhưng không có khả năng trả đúng hạn khiến nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn ở mức cao 1.624 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,16%.

Trong bối cảnh khó khăn này, cùng với các chính sách tài khóa thì các chính sách về tiền tệ, tín dụng đã hỗ trợ tích cực trong việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hệ thống ngân hàng đã và đang triển khai quyết liệt nhiều chương trình, chính sách về tín dụng nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó, các ngân hàng trên địa bàn đã hỗ trợ lãi suất 2% cho 7 khách hàng với tổng dư nợ lũy kế được hỗ trợ là 146,187 tỷ đồng và số lãi được hỗ trợ là 1,092 tỷ đồng.

Các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 155 lượt khách hàng với tổng giá trị nợ gốc và lãi lũy kế được cơ cấu gần 347,89 tỷ đồng. Các gói tín dụng ưu đãi như gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản với quy mô hiện nay khoảng 15.000 tỷ đồng cũng được triển khai.

Cầu nối

Ngoài sự nhập cuộc của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố đường dây nóng tiếp nhận các ý kiến phản hồi của người dân, doanh nghiệp xung quanh các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Hiệp hội Doanh nghiệp cũng tiến hành khảo sát khả năng tiếp cận vốn, tiếp nhận các thông tin vướng mắc của doanh nghiệp để đối thoại chia sẻ với ngân hàng thông qua các hoạt động đối thoại, kết nối. Thông qua các chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau đã tạo điều kiện cho ngân hàng có điều kiện lắng nghe, chia sẻ, nhận diện, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn về vốn mà doanh nghiệp đang gặp phải. Từ đây, doanh nghiệp cũng có những góc nhìn tích cực hơn về hoạt động ngân hàng.

Hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng, doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước tỉnh cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp và các hội, câu lạc bộ doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức thành công gần đây là một minh chứng. Hội nghị thu hút hơn 150 doanh nghiệp tham gia. Tại đây, nhiều vấn đề về việc tiếp cận vốn vay, tài sản đảm bảo của doanh nghiệp… được đưa ra mổ xẻ. Trong khuôn khổ hội nghị các hoạt động kết nối ngân hàng và doanh nghiệp cũng được tổ chức, các hợp đồng tín dụng giữa đại diện các ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn cũng được ký kết với tổng quy mô tín dụng là 841 tỷ đồng.

Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cho hay, hội rất tích cực phối hợp để tuyên truyền các chính sách của ngành ngân hàng đến cộng đồng doanh nghiệp. Có thể nói, các chính sách của ngành ngân hàng đã và đang có tác động tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khôi phục và phát triển kinh tế. Tuy nhiên cũng thẳng thắn thừa nhận thực tế không ít doanh nghiệp và ngân hàng vẫn chưa gặp nhau trong tiếp cận tín dụng.

Với đặc thù hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô, năng lực hạn chế nên việc tiếp cận và đủ điều kiện để thụ hưởng các chính sách tín dụng sẽ gặp khó khăn hơn nhiều. Các doanh nghiệp vẫn cần thêm nhiều sự hỗ trợ về tháo gỡ cơ chế, đơn giản thủ tục, điều kiện thì mới có thể tiếp cận đối với chính sách ưu đãi. Vì thế, ngành Ngân hàng cần nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất của dư nợ hiện hữu, đơn giản hóa quy trình tiếp cận vốn cũng như tăng cường hình thức cho vay dựa trên uy tín khách hàng. Chú trọng vào tính hiệu quả, thiết thực trong thực hiện các chính sách để các chính sách hỗ trợ “đánh trúng” vào khó khăn của doanh nghiệp giúp cộng đồng doanh nghiệp Huế càng vững mạnh. Và khi doanh nghiệp Huế vững mạnh cũng sẽ thúc đẩy các tổ chức tín dụng trên địa bàn phát triển mạnh mẽ hơn.

Bài, ảnh: Hoàng Anh