Thực hành trên cabin tập lái tại Trung tâm Tâm An |
Chưa phù hợp thực tiễn
Hiện nay nhiều giáo viên, học viên ở các trung tâm, cơ sở đào tạo lái xe ở Thừa Thiên Huế cho rằng, một số quy định về đào tạo lái xe ô tô đang bộc lộ những bất cập, chưa phù hợp với thực tế.
Một giáo viên ở Trung tâm Đào tạo nghề lái ô tô Tâm An Huế (Trung tâm Tâm An) chia sẻ, trong phần học lý thuyết, quy định bắt buộc học viên phải có mặt và điểm danh bằng vân tay, thẻ từ, nhận diện khuôn mặt… đã gây nhiều khó khăn cho người học. Nhiều học viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, họ chỉ tranh thủ học lái xe vào những ngày nghỉ cuối tuần hoặc vào ban đêm. Do đó việc quy định học viên phải đi học đúng giờ, đúng thời gian làm cho nhiều trường hợp gặp khó.
Anh Hoàng Văn Bảo, học viên tại Trung tâm Tâm An cho biết, bản thân đang là cán bộ viên chức Nhà nước nhưng có nhu cầu học lái xe ô tô (bằng B2) để thuận lợi đi lại trong công việc. Tuy nhiên, quy định phần học lý thuyết bắt buộc người học phải có mặt đã khiến anh găp trở ngại vì thời gian làm việc của anh vào giờ hành chính.
“Nếu quy định tạo được hướng mở như cho học ngoài giờ, dịp cuối tuần hoặc tự học sau đó làm bài kiểm tra… thì thuận lợi hơn” -anh Bảo nói.
Hay, việc xử lý tình huống giao thông trên clip mô phỏng là môn học thiết thực. Môn học này đã đưa vào chương trình đào tạo để giúp cho người học có kinh nghiệm phòng, tránh các tình huống tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, môn mô phỏng lại đưa vào phần thi sát hạch cấp giấy phép lái xe là chưa hợp lý, bất cập vì phần thi này khiến người học hoàn toàn bị áp đặt cách xử lý của người viết phần mềm. Tức là học viên phải ấn bàn phím đúng thời điểm của người viết đặt ra thì mới đạt số điểm tối đa (5 điểm/tình huống), còn học viên ấn bàn phím sớm hơn hoặc muộn hơn sẽ không có điểm hoặc điểm thấp.
Quan trọng đầu ra chất lượng
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ GTVT ban hành Thông tư 04/2022 quy định các trung tâm, cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải đầu tư thiết bị cabin tập lái đầu năm 2023. Với phần học này chỉ xây dựng được các bài tập ảo trên màn hình máy tính kết hợp hệ thống truyền động và gây cho người học khó chịu về thị giác cũng như tư duy khi ngồi lên luyện tập. Thực tế đã có nhiều học viên trong quá trình học hay xảy ra tình trạng mệt mỏi, chóng mặt.
Ngoài ra, trong phần học lý thuyết có nhiều nội dung trùng lặp, như: môn nghiệp vụ vận tải có nhiều nội dung trùng với môn Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hay môn đạo đức văn hóa giao thông có quá nhiều nội dung trùng với môn pháp luật giao thông…
Một giáo viên ở Trường cao đẳng Giao thông Huế cũng chia sẻ, hiện nay trong phần thực hành có những quy định chưa hợp lý. Cụ thể, quy định thời gian tập lái của 1 học viên là 84 giờ đối với hạng B1 và B2; trong đó có 3 giờ học cabin mô phỏng; 41 giờ thực hành trong sân tập lái, tương ứng với 290km, trung bình 7km/giờ và 40 giờ thực hành trên đường giao thông, tương ứng với 810km, trung bình 20,2km/giờ. Quy định này rất bất hợp lý, không phù hợp với thực tế. Thực tế tại các sân tập, trung bình học viên chỉ có thể đi được 3,5km/giờ, còn trên đường giao thông thì học viên trung bình đi được 35km/giờ mới không gây cản trở các phương tiện khác lưu thông.
Ông Ngô Sĩ Các, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Giao thông Huế cho biết, mới đây nhiều cơ quan, đơn vị liên quan đã có ý kiến về dự thảo Luật Đường bộ và trật tự an toàn giao thông đường bộ; trong đó chú ý về việc sửa đổi chương trình đào tạo lái xe, nhất là đề xuất sửa đổi nội dung học lái xe trên đường giao thông công cộng theo hướng giảm số giờ học và tăng tốc độ chạy lên hoặc cho chạy theo tốc độ của cung đường quy định để không gây cản trở giao thông; sửa đổi các quy định khác còn nhiều bất cập theo hướng rút gọn, đơn giản hóa để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý cũng như thực hiện đối với lĩnh vực đào tạo và sát hạch lái xe…
“Hy vọng luật và các nghị định, thông tư sẽ sớm có sự điều chỉnh phù hợp để các quy định, chính sách đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho các trung tâm, cơ sở đào tạo lái xe và học viên” - ông Các chia sẻ.