Người dân trong một khu vực bị ngập lụt ở Ấn Độ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Được biết, GCF có trụ sở tại thành phố Songdo của Hàn Quốc, là một quỹ toàn cầu được thành lập để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển giải quyết những thách thức của tình trạng biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, CRPP được ra mắt hồi năm 2021, là một chương trình khu vực hướng tới huy động các khoản đầu tư công quy mô lớn, nhằm hỗ trợ việc thích ứng ở cấp cộng đồng của người nghèo và những người dễ bị tổn thương, phát triển các chính sách và sáng kiến cấp quốc gia và địa phương nhằm thúc đẩy tài trợ cho hoạt động thích ứng do cộng đồng dẫn dắt, đồng thời tăng cường sự tham gia có ý nghĩa của người nghèo, đặc biệt là phụ nữ trong việc ra quyết định liên quan đến khả năng phục hồi.

Điều này giúp đảm bảo những người dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu có thể tham gia vào một quá trình công bằng, và nhận được sự chia sẻ công bằng về lợi ích của các nỗ lực thích ứng.

Trong một nhận định liên quan, bà Fatima Yasmin, Phó Chủ tịch ADB cho biết: “Tăng cường quy mô đầu tư thích ứng với khí hậu địa phương là điều cần thiết để bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương, cũng như thúc đẩy sự phát triển bao trùm và bền vững trong bối cảnh những rủi ro khí hậu ngày càng gia tăng ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương”.

Cũng theo bà Fatima Yasmin, CRPP là một phản ứng mang tính dài hạn, nhằm xác định các biện pháp thích ứng giúp giải quyết những thách thức về khí hậu, nghèo đói và giới tính. CRPP được thiết kế để thực hiện trong thời gian 10 năm, từ năm 2021 - 2031.

Với vai trò là ngân hàng khí hậu của khu vực châu Á và Thái Bình Dương, ADB đặt mục tiêu cung cấp 100 tỷ USD tài chính khí hậu từ các nguồn lực của ngân hàng này trong giai đoạn 2019 - 2030. Trong đó, CRPP sẽ đóng góp vào mục tiêu này bằng cách hỗ trợ các giải pháp thích ứng với khí hậu ở cấp địa phương.

THANH NGÂN (Lược dịch từ Adb.org)