Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc với Chủ đầu tư Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Phát triển Nhà Vicoland |
“Chạm” vào điểm nóng
Câu chuyện nhà ở xã hội (NOXH) thời gian gần đây thu hút sự quan tâm của cử tri, dư luận. Tại Thừa Thiên Huế, HĐND tỉnh cũng đã ban hành nghị quyết (NQ) về chương trình phát triển NOXH, nhà ở đối với công nhân lao động trên địa bàn. Mục tiêu của NQ là làm sao giải quyết được tận gốc những vấn đề còn đang bất cập, nổi cộm trong thực tiễn cuộc sống để việc quản lý thị trường bất động sản và phát triển NOXH trong thời gian tới đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân có nhu cầu.
Thông tin từ Sở Xây dựng, thực hiện NQ số 118 và 132 của HĐND tỉnh, đến nay tỉnh đã chấp thuận đầu tư cho 9 dự án NOXH, trong đó có 4 dự án NOXH độc lập đã được chấp thuận đầu tư giai đoạn 2010 -2014. Có 3 dự án triển khai chậm từ 1 đến 3 năm so với tiến độ được phê duyệt. Có 2 dự án NOXH độc lập được chấp thuận đầu tư giai đoạn 2020 -2021 với diện tích hơn 11ha, tổng số căn hộ 2.900 căn.
Thực tế, các cụm chung cư của các dự án NOXH của tỉnh đã được đưa vào hoạt động. Nhiều dự án NOXH được xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, phát triển đa dạng cả về kiểu dáng, đã hình thành được những khu dân cư mới, tuyến phố mới, góp phần vào việc chỉnh trang đô thị và tạo chỗ ở ổn định cho các tầng lớp nhân dân, đối tượng chính sách, người thu nhập thấp, xây dựng lối sống văn minh, hiện đại.
Hiện vẫn còn nhiều bất cập trong việc thực hiện các dự án, nhất là những dự án đã đi vào hoạt động, như: nhiều dự án sau một thời gian dài hoạt động vẫn chưa có ban điều hành quản trị, một số dự án vẫn còn thiếu các thiết chế sinh hoạt cộng đồng chung, thiếu nhà để xe, tình trạng lấn chiếm các khu vực sinh hoạt chung để kinh doanh…
Trước thực tế đó, Thường trực HĐND tỉnh đã triển khai GS tình hình kết quả thực hiện NQ của HĐND tỉnh về chương trình phát triển NOXH, nhà ở đối với công nhân lao động trên địa bàn.
Qua GS các dự án nhà ở trên địa bàn đã triển khai thực hiện, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân đánh giá cao sự nỗ lực triển khai thực hiện của các sở, ban ngành, kết quả đạt được đã cho thấy hiệu quả của chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại như: Công tác xây dựng kế hoạch, chương trình hàng năm chưa được thực hiện; công tác nắm bắt thông tin chưa được thường xuyên và kịp thời; công tác theo dõi, GS các dự án khu dân cư, xây dựng nhà ở chưa thường xuyên, đi vào hoạt động nhưng không thành lập ban quản trị chung cư… Qua GS, Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị các đơn vị khẩn trương khắc phục các tồn tại hạn chế mà đoàn GS đã chỉ ra.
Nhận diện những hạn chế
Thực hiện chương trình GS năm 2023, 6 tháng đầu năm, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh đã triển khai và hoàn thành 3 cuộc GS chuyên đề của HĐND tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh: GS tình hình thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh từ năm 2017-2022; GS việc giải quyết kiến nghị cử tri tại kỳ họp lần thứ 5, HĐND tỉnh khóa VIII; GS chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh về Công tác tuyển dụng, sử dụng. quản lý viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế và ngành giáo dục và đào tạo trên địa bản tỉnh giai đoạn 2016 - 2022.
Qua GS đã chỉ ra rằng, tình hình triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, ảnh hướng đến môi trường đầu tư kinh doanh, hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư. Công tác chuẩn bị hồ sơ, dữ liệu đất đai nhằm sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư chưa đạt kỳ vọng. Xử lý các trường hợp phát sinh liên quan đến các quy định của pháp luật chậm, kéo dài, thiếu dứt khoát… làm kéo dài thời gian triển khai dự án.
Các nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, chính sách hỗ trợ tái định cư chưa phù hợp với thực tiễn, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính kéo dài… ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án. Các văn bản hướng dẫn về quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch,... thường xuyên thay đổi, còn mang tính chung chung, thiếu cụ thể, có nhiều cách hiểu khác nhau... dẫn đến việc áp dụng gặp khó khăn. Quy trình, thủ tục đầu tư được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau, nhiều nội dung còn chồng chéo...
Từ những kết quả đó, HĐND tỉnh đã ban hành NQ Về tình hình thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến năm 2022. Qua đó, đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế… sớm khắc phục những hạn chế, có giải pháp hỗ trợ các dự án ngoài ngân sách triển khai theo đúng kế hoạch.
Theo Thường trực HĐND tỉnh, bên cạnh các cuộc GS chuyên đề của HĐND tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh đã tiến hành nhiều hoạt động GS, KS thường xuyên, đột xuất, tập trung vào những vấn đề được dư luận, cử tri, Nhân dân quan tâm. “Các cuộc GS, KS được đổi mới, chú trọng tổ chức KS thực địa, làm việc trực tiếp với các địa phương, đơn vị liên quan. Thông qua GS, KS đã giúp cho Thường trực, các Ban HĐND tỉnh nắm bắt về tình hình chấp hành chính sách pháp luật, qua đó phát hiện, kiến nghị khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực. Các cuộc GS, KS được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của Luật Hoạt động GS của Quốc hội và HĐND năm 2015. Báo cáo kết quả các cuộc GS của HĐND, Thường trực và các Ban đã được gửi đến các vị đại biểu HĐND tỉnh và các cơ quan hữu quan”, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân cho biết.