Các trung tâm đăng kiểm vẫn gặp nhiều khó khăn về kiểm định dây chuyền thiết bị đăng kiểm và cần sớm được tháo gỡ nhằm duy trì ổn định hoạt động. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+) 

Trong thực tế nguồn thu không đủ chi, hiện nay, các trung tâm đăng kiểm vẫn gặp nhiều khó khăn về kiểm định dây chuyền thiết bị đăng kiểm và cần sớm được tháo gỡ nhằm duy trì ổn định hoạt động, nhất là trong bối cảnh nguy cơ tái diễn ùn tắc đăng kiểm vào cuối năm nay.

Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện nay, các trung tâm đăng kiểm hiện vẫn còn tồn tại tâm lý bất ổn, lo sợ ở hầu hết các đăng kiểm viên và trung tâm đăng kiểm (kể cả đã bị khởi tố hoặc không bị khởi tố); đây cũng là một trong những nguyên nhân làm suy giảm hiệu suất, năng suất làm việc, thậm chí còn góp phần cho việc gia tăng nguy cơ bị ùn tắc phương tiện vào kiểm định.

Ngoài ra, một lượng lớn các phương tiện được miễn kiểm định lần đầu, kéo dài thời gian chu kỳ kiểm định (Thông tư số 02/2023/TTBGTVT), được áp dụng gia hạn tự động ngay chu kỳ kiểm định mới mà không phải đưa xe đến kiểm định (Thông tư số 08/2023/TT-BGTVT) dẫn đến công suất kiểm định tại các trung tâm có dấu hiệu sụt giảm thời gian vừa qua.

Trong khi đó, giá dịch vụ kiểm định hiện tại được ban hành cách đây đã 10 năm, chưa có quy định về giá thu cho việc cấp miễn kiểm định lần đầu, in, cấp lại Giấy chứng nhận, Tem kiểm định bị hỏng mất..., gây ảnh hưởng lớn đến nguồn thu không đủ bù đắp chi phí và kế hoạch tài chính của các trung tâm đăng kiểm.

Mặt khác, theo báo cáo của các Sở Giao thông Vận tải, hiện nay chi phí cho kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị, dụng cụ kiểm tra của trung tâm đăng kiểm rất nhiều và không đồng nhất cho việc chi trả tiền kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra.

Dẫn chứng, trước đây, Cục Đăng kiểm thực hiện và thu giá theo quy định tại Thông tư số 238/2016/TT-BGTVT chỉ có 450.000 đồng/thiết bị, trong khi giá kiểm định thiết bị đo phân tích khí xả của các đơn vị kiểm định được chỉ định thực hiện hoạt động kiểm định tại văn bản thông báo số 2601/TĐC-ĐL ngày 16/8/2023 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) thu giá không đồng nhất từ 8-11,5 triệu đồng/thiết bị.

Hoặc, thước đo khi mua chỉ có giá 300.000 đồng/chiếc nhưng giá kiểm định từ 800.000-1.500.000 đồng/thước đo 20m; 750.000 đồng/thước đo 5m.

Bên cạnh đó, các đơn vị kiểm định, hiệu chuẩn các dụng cụ, thiết bị đo nhóm 2 do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cung cấp không thể trực tiếp đến trung tâm đăng kiểm để thực hiện; vừa không có khả năng thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn được hết tất cả các thiết bị, dụng cụ đo (có đơn vị chỉ có chức năng kiểm định hiệu chuẩn 1 thiết bị, có đơn vị chỉ có chức năng kiểm định được 1 thiết bị và 1 dụng cụ).

Đơn vị kiểm định, hiệu chuẩn cũng không có mật khẩu và thiết bị giải mã để mở vào các phần mềm của thiết bị kiểm tra để phục vụ cho việc kiểm định, hiệu chuẩn (mật khẩu và thiết bị giải mã này chỉ có nhà cung cấp thiết bị mới có).

Lãnh đạo một số đơn vị đăng kiểm ở Hà Nội và phía Bắc bày tỏ cảm thấy “hoang mang” và rất bị động bởi chi phí kiểm định cao hơn nhiều so với tiền mua thiết bị.

“Dù đã được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng giới thiệu 11 đơn vị cung cấp dịch vụ và hiện đang liên hệ để thực hiện kiểm chuẩn các thiết bị nhóm 1. Tuy vậy, có đơn vị báo giá dịch vụ rất cao, thậm chí lần sau báo cao hơn lần trước. Thậm chí, tháng trước báo giá kiểm chuẩn 3 loại thiết bị (phân tích khí xả, độ ồn và thước cuộn) tổng cộng chỉ 11.450.000 đồng, nhưng tháng sau báo lên tới 15 triệu đồng,” đại diện một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội than thở.

 Công suất phương tiện đến kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm dấu hiệu sụt giảm thời gian vừa qua. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các trung tâm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã nghiên cứu, tìm hiểu và phối hợp với các nhà cung cấp thiết bị, chỉ đạo rà soát, kiểm tra, đánh giá các thiết bị kiểm tra cung cấp cho trung tâm đăng kiểm với giá phù hợp (thấp hơn so với báo giá ban đầu).

Song song đó, Cục Đăng kiểm đã đề nghị các đơn vị cung cấp, sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng các thiết bị kiểm tra lắp đặt ở các trung tâm đăng kiểm xúc tiến việc đào tạo, kiểm tra, đánh giá để cấp Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị, dụng cụ đo nhóm 2 cho các trung tâm đăng kiểm do các đơn vị này có lợi thế thuận lợi, đồng bộ và cung cấp giá dịch vụ thấp hơn nhiều so với các đơn vị do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cung cấp.

“Tạm thời, trước mắt, các nhà cung cấp thiết bị phải phối hợp với trung tâm đăng kiểm và đơn vị kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng giới thiệu để thực thiện việc kiểm định, hiệu chuẩn dụng cụ, thiết bị kiểm tra cho các trung tâm đăng kiểm, cho dù chi phí bị tăng lên nhiều do phải chi trả chi phí cho cả 2 đơn vị,” ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay./.

Theo Vietnam+