Đây là buổi sinh hoạt chính trị toàn Đảng bộ đầu tiên của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Thừa Thiên Huế sau khi hoàn thành chuyển giao tổ chức đảng, đảng viên về trực thuộc Đảng ủy Agribank.
Ban lãnh đạo Agribank tặng hoa cám ơn Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy |
Quyết tâm đưa Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương
Tại buổi sinh hoạt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phan Ngọc Thọ chia sẻ, ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54 và tiếp tục được khẳng định tại Nghị quyết 26 với mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. Đây là nhiệm vụ quan trọng không riêng gì của Thừa Thiên Huế mà còn là của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.
Đến nay, trong lộ trình phát triển, quy mô kinh tế qua các năm có sự tăng trưởng đáng ghi nhận, nếu như năm 2020, quy mô đạt 55.000 tỷ đồng thì năm 2022 đạt 66.400 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 8,56% (cả nước 8,02%). So với quy định tại Nghị quyết 26 của UBTVQH, đã đạt được 1,04 lần của quy định. Kế hoạch phấn đấu đến năm 2025, GDP bình quân đầu người là 3.500 USD, tự cân đối thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người đạt 72 triệu đồng/người xấp xỉ bình quân cả nước…
Để sớm đạt mục tiêu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trước mắt, xây dựng hoàn thành, bảo đảm chất lượng, tiến độ các quy hoạch, đề án đã đề ra; triển khai hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế; đề án phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022-2025. Thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; quyết tâm đưa A Lưới khỏi danh sách huyện nghèo quốc gia. Cơ cấu lại thu, chi ngân sách gắn với nâng cao hiệu quả quản lý. Ưu tiên chi đầu tư phát triển, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng, cấp bách, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế.
Ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương là cơ hội để Thừa Thiên Huế huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, bảo tồn các di sản văn hóa… Trong tiến trình này có sự đồng hành không nhỏ của hệ thống ngân hàng trong đó có Agribank. Hy vọng Agribank Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục đầu tư cho khu vực nông thôn, các lĩnh vực ưu tiên góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động an sinh; sẵn sàng tâm thế bước vào một chặng đường mới… cùng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Agribank đang tập trung đầu tư có hiệu quả cho khu vực nông thôn |
Đồng hành
Là một định chế tài chính có tính đặc thù, Agribank đang tập trung nguồn lực đầu tư cho khu vực nông thôn, các lĩnh vực ưu tiên góp phần nâng cao đời sống của người dân doanh nghiệp trên địa bàn.
Đến nay, Agribank chi nhánh Thừa Thiên Huế đã huy động tổng nguồn vốn 12.500 tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế 10.500 tỷ đồng, với gần 400 cán bộ nhân viên, 12 chi nhánh, 27 điểm giao dịch trên toàn tỉnh. Agribank đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong việc thực thi chính sách tiền tệ, đầu tư có hiệu quả cho nền kinh tế, đặc biệt là đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân; luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ khách hàng và người dân vượt khó. Agribank đã chủ động triển khai hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ về tín dụng, giảm lãi suất cho vay, miễn giảm phí dịch vụ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, góp phần kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đến 6 tháng đầu năm, Agribank chi nhánh Thừa Thiên Huế đã cơ cấu lại nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 với dư nợ được cơ cấu 265 tỷ đồng; điều chỉnh lãi suất cho vay trung dài hạn hỗ trợ người dân và doanh nghiệp là 28.817 khách hàng, tổng số tiền lãi được giảm là 10,85 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP là 24 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ 165 triệu đồng; dự kiến cơ cấu thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN với số dư nợ được cơ cấu là 415 tỷ đồng; miễn giảm 1 tỷ 168 triệu đồng phí dịch vụ. Ngoài ra, chi nhánh đã triển khai cho vay ưu đãi đối với các lĩnh vực ưu tiên: xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông lâm thủy sản…; cho vay tiêu dùng ưu đãi đối với cán bộ nhân viên ngành y tế, cán bộ hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, chương trình cho vay nhà ở xã hội, cho vay trả nợ ngân hàng khác…
Cùng với hoạt động kinh doanh, Agribank còn quan tâm đến công tác an sinh xã hội. Agribank đã ủng hộ 215 tỷ đồng cho hoạt động an sinh xã hội, trong đó, kinh phí xây nhà tình nghĩa, nhà cho người nghèo, nhà đại đoàn kết là 56 tỷ đồng, kinh phí dành cho các hoạt động giáo dục là 69 tỷ đồng, y tế gần 55 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hải Quân, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Agribank chi nhánh Thừa Thiên Huế khẳng định, sau khi thực hiện chuyển giao cơ sở Đảng, Đảng bộ Agribank đã và đang tập trung kiện toàn bộ máy cấp ủy đảng; tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng; phát triển đảng viên mới… Agribank chi nhánh Thừa Thiên Huế cũng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động kinh doanh, nâng cao trách nhiệm của từng đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ kinh doanh, lấy đây làm căn cứ phân loại đảng viên. Với nhận thức sâu sắc các nội dung Nghị quyết 54, đội ngũ cán bộ, đảng viên Agribank sẽ đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong đầu tư nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như hoạt động an sinh xã hội. Đảng bộ Agribank quyết tâm đồng hành cùng Thừa Thiên Huế trong công cuộc “chinh phục” mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.