Trong các tiết học giáo dục công dân của học sinh Trường THCS Hùng Vương, cô giáo thường lồng ghép các nội dung ngăn chặn bạo lực học đường |
Bạo lực tiềm ẩn trong học đường
Mới đây, một nữ sinh lớp 7 Trường THCS Lộc Điền, huyện Phú Lộc bị nhóm bạn đánh hội đồng rồi quay clip đăng lên mạng. Clip quay lại cảnh nữ sinh này bị nhóm người liên tục đánh, đá vào người, giật tóc. Sau đó, cả nhóm còn bắt nữ sinh quỳ xuống xin lỗi.
Theo tường trình của các học sinh, nguyên nhân vụ việc là vào ngày 19/10, em P.Đ.D.H điều khiển xe đạp tông vào em M.T.T.T khiến điện thoại của em T. bị nứt màn hình. Tối cùng ngày, T. đến nhà H. để yêu cầu bồi thường và có gặp bố H. nhưng người này không đồng ý đền bù và yêu cầu 2 nữ sinh tự giải quyết. Sự việc dẫn đến mâu thuẫn và hai em hẹn nhau tại gần một quán cà phê ở xã Lộc An, huyện Phú Lộc để giải quyết. Ngoài các học sinh trên, còn có thêm các học sinh khác tham gia, sau đó xảy ra xô xát và quay clip rồi đăng mạng xã hội.
Gia đình đã đưa em T. đi kiểm tra sức khỏe. Rất mừng là các xét nghiệm, chẩn đoán đều cho kết quả bình thường. Tuy chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng vụ việc này chắc chắn ảnh hưởng đến tinh thần của em T. cũng như tạo ra dư luận xấu trong môi trường học đường.
Trước đó, em N.T.V (học sinh Trường THCS Duy Tân, TP. Huế) cũng bị một nhóm học sinh đánh đập hội đồng. Do mâu thuẫn, xích mích cá nhân, vào ngày 31/7, nhóm học sinh gồm: em U. (Trường THCS Duy Tân), em Tr. (Trường THCS Trần Phú, TP.Huế), em D. và em H. (Trường THCS Hùng Vương, TP.Huế) đến nhà em N.T.V ép buộc em đi đến nhà thờ Phủ Cam (phường Phước Vĩnh, TP.Huế) để đánh đập và quay lại video. Sau đó 4 học sinh trên đưa em V. đến tượng đài Quang Trung (phường An Tây, TP. Huế) để tiếp tục đánh đập và quay video.
Ngay sau khi sự việc được phát hiện, ban giám hiệu các trường có học sinh tham gia vụ việc và phụ huynh đã tìm hiểu nguyên nhân, phân tích đúng sai cũng như có giải pháp giáo dục học sinh vi phạm. Đối với nhà trường, ngoài nghiên cứu hướng xử lý, hình thức kỷ luật các học sinh đánh bạn thì tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhà trường.
Những sự việc xảy ra gần đây cho thấy, tình trạng bạo lực vẫn luôn tiềm ẩn trong học đường, để lại những hệ luỵ khôn lường đối với con trẻ. Mọi người thường nghĩ, chỉ có nạn nhân bị bạo lực học đường mới là người bị tổn thương nặng nề nhất về thể chất lẫn tinh thần. Nhưng trên thực tế, cả người bắt nạt và nạn nhân đều phải gánh hậu quả nặng nề sau sự việc đó.
Với học sinh bị bắt nạt, ngoài tổn thương về thể chất, các em sẽ rơi vào tình trạng hoảng loạn, lo âu, muốn thu mình lại, giảm hiệu suất học tập, sợ phải đến trường và có thể bị ám ảnh tâm lý suốt đời... Đối với học sinh bắt nạt bạn bè sẽ chịu những hình thức kỷ luật từ phía nhà trường hoặc tệ hơn là chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đã đủ tuổi vị thành niên. Theo chuyên gia tâm lý, trẻ bắt nạt về lâu dài có tâm lý không ổn định. Chính vì thế, chúng sẽ luôn gặp trục trặc trong các mối quan hệ của mình và có xu hướng ngược đãi bạn đời, con cái khi lớn lên. Trên con đường sự nghiệp, những người này cũng luôn gặp khó khăn để phát triển bản thân.
Cần sự quan tâm của bố mẹ
Các vụ việc học sinh đánh nhau dù xảy ra trong dịp hè hay ngoài trường học, trách nhiệm trước tiên là của nhà trường trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Ngoài ra, cũng cần nhìn nhận trách nhiệm của các bậc phụ huynh trong việc giáo dục con cái, không thể khoán trắng cho nhà trường mà phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Học sinh Trường THCS Duy Tân, TP. Huế ký cam kết không vi phạm bạo lực học đường |
Sau khi sự việc được đăng tải lên mạng xã hội, Trường THCS Lộc Điền đã mời phụ huynh và các học sinh có liên quan đến để nắm tình hình, giải quyết vụ việc. Tại buổi làm việc, các phụ huynh tham gia cuộc họp đã nhận thấy rõ một phần nguyên nhân và trách nhiệm là do họ ít quan tâm đến con em mình và cam kết từ nay sẽ quan tâm hơn đến con cái.
Trong nhóm học sinh đánh đập em N.T.V, có 2 em học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, bố mẹ ly hôn và sống cùng ông bà. Ông bà đã lớn tuổi, không thể quản được đứa cháu mới lớn, vậy là xảy ra chuyện. Khi nhà trường mời phụ huynh lên làm việc, bố mẹ cũng không tới được, giao phó cho bà nội già yếu. Bà cũng bất lực, vậy là mọi việc giao khoán cho nhà trường. Cô Phó Hiệu trưởng của một trường có học sinh gây ra vụ bạo lực trên chia sẻ, với những em có cha mẹ quan tâm, việc giáo dục các em nhận ra sai lầm và sửa sai dễ dàng hơn, sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình cũng thuận lợi. Ngược lại, cha mẹ thờ ơ, nhà trường rất khó khăn vì không thể giám sát các em 24/24h.
Theo chuyên gia tâm lý, với trẻ tuổi vị thành niên, truyền thống đạo đức của gia đình ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành nhân cách, thái độ sống của trẻ. Khi trẻ sống trong một gia đình nề nếp sẽ tác động tích cực đến hành vi đạo đức của các em. Với những em sống trong gia đình không hòa thuận, có bạo lực gia đình, cha mẹ coi giáo dục là việc của nhà trường thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi, thái độ của trẻ.
Hơn nữa, sự bùng nổ của công nghệ thông tin khiến trường học không phải là nơi duy nhất học sinh tiếp nhận kiến thức. Những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội được các em tiếp nhận nhanh chóng. Ở lứa tuổi hình thành nhân cách, sự phát triển tâm sinh lý của các em khá mạnh mẽ nhưng chưa hoàn thiện, thái độ ứng xử, lập trường sống chưa vững vàng. Những ảnh hưởng của môi trường xã hội tác động rất lớn đến các em, nhất là khi không có sự giám sát chặt chẽ, định hướng từ gia đình. Vì vậy, ngoài nhà trường và xã hội, gia đình đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục các em học sinh.
Khi học sinh phạm lỗi, gây ra các vụ việc bạo lực học đường, gia đình phải chung tay với nhà trường giáo dục và giúp con em mình thay đổi. Một giáo viên chia sẻ, lứa tuổi lớp 7, lớp 8 là tuổi “nổi loạn”, muốn chứng tỏ cái tôi và bản lĩnh của mình mà chưa nhận thức được những hành động, lời nói của mình là sai nên dẫn đến các hành vi bạo lực học đường. Vì vậy rất cần người lớn, đặc biệt là các bậc phụ huynh và thầy cô trò chuyện, tư vấn để các em nhận thức mình đang sai ở đâu cũng như vượt qua những trở ngại tâm lý khi tiếp xúc với môi trường học tập và rèn luyện.