Trẻ mầm non trải nghiệm Tết cổ truyền

Đề án hướng đến mục tiêu tích hợp giáo dục văn hóa địa phương vào chương trình giáo dục mầm non thông qua các hoạt động giáo dục ở các lĩnh vực phát triển thể chất, ngôn ngữ, khám phá xã hội, tình cảm xã hội và thẩm mỹ, giúp trẻ sớm được bồi dưỡng khả năng cảm nhận cái hay, cái đẹp trong văn hóa địa phương; hình thành ở trẻ tình cảm trong sáng, cao đẹp, yêu thương, gắn bó với quê hương; giáo dục trẻ tình yêu quê hương, đất nước; lòng tự hào về con người Huế và bản sắc văn hóa Huế. Từ đó, hình thành ý thức trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương ngay từ độ tuổi mầm non.

Giai đoạn 2023-2025, xây dựng nguồn tài liệu giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ em mầm non, tổ chức thẩm định nội dung tài liệu, in ấn tài liệu, tập huấn năng lực tích hợp giáo dục văn hóa địa phương cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non.

Giai đoạn 2026-2028, tập huấn bồi dưỡng cho giáo viên mầm non; tổ chức tham quan trải nghiệm nâng cao năng lực tích hợp giáo dục văn hóa địa phương cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non chưa đạt yêu cầu thông qua các hội thi trực tuyến; tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm sau 2 năm thực hiện đề án.

Giai đoạn tiếp theo sẽ thực hiện thường xuyên nhiệm vụ đưa giáo dục văn hóa địa phương vào chương trình giáo dục mầm non.

Đề án cũng đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, trong đó chú trọng việc đẩy mạnh công tác truyền thông về chương trình giáo dục mầm non và nội dung giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ em mầm non; tổ chức biên soạn, sưu tầm các tài liệu văn hóa địa phương theo đúng quy định; xây dựng môi trường giáo dục mang đậm bản sắc văn hóa địa phương trong các cơ sở giáo dục mầm non; nâng cao nhận thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và cha mẹ trẻ em về giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ…

MINH HIỀN